Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ chính sách của dự án Luật Quản lý thuế (thay thế).
3 giai đoạn chuyển đổi từ thuế khoán sang thuế kê khai
Góp ý với dự án luật, UBND TP.Hà Nội cho rằng việc xóa bỏ chế độ thuế khoán là cần thiết và phù hợp với xu hướng hiện đại hóa quản lý tài chính công.
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính chỉ rõ giai đoạn đầu triển khai (2025-2026) có thể gặp trình trạng quá tải hệ thống khi hàng triệu hộ kinh doanh cùng chuyển đổi. Cần đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và đào tạo đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật.
Nhiều hộ kinh doanh cũng cho biết chi phí tuân thủ quy định mới có thể dao động từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng mỗi năm, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo không đề cập đến các giải pháp chính sách để khắc phục nhược điểm này.
UBND TP.Hà Nội khuyến nghị việc chuyển đổi từ chế độ thuế khoán sang thuế kê khai đối với kê khai đối với hộ kinh doanh cần được triển khai theo một lộ trình 3 giai đoạn hợp lý, đồng thời đi kèm các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cụ thể để đảm bảo tính khả thi và hạn chế xáo trộn trong thực tiễn.
Ở giai đoạn đầu (1 - 2 năm), trọng tâm là chuẩn bị nền tảng và triển khai thí điểm. Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, cung cấp phần mềm kế toán đơn giản và hóa đơn điện tử miễn phí cho hộ kinh doanh nhỏ, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng ghi chép sổ sách và kê khai thuế.
Hỗ trợ tài chính trong giai đoạn này bao gồm miễn phí phần mềm, hỗ trợ chi phí thiết bị đầu vào (máy tính bảng, mạng internet) và trợ cấp chi phí đào tạo cho các hộ ở vùng sâu, vùng xa.
Giai đoạn hai (2 - 4 năm) sẽ mở rộng áp dụng thuế kê khai bắt buộc với các hộ có doanh thu ở mức nhất định nhưng cần đi kèm các ưu đãi thuế tạm thời (giảm 20 - 30% thuế trong năm đầu), hỗ trợ chi phí thuê kế toán và tiếp cận tín dụng vi mô ưu đãi.
UBND TP.Hà Nội khuyến nghị 3 giai đoạn để chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai
Về mặt kỹ thuật, cần nâng cấp hệ thống quản lý thuế tại địa phương, tích hợp nền tảng kê khai - thanh toán - nộp thuế và tiếp tục đào tạo kỹ năng tài chính - số cho hộ kinh doanh.
Giai đoạn ba (4 - 5 năm) là giai đoạn chuẩn hóa và kết thúc hoàn toàn chế độ thuế khoán trên toàn quốc. Trong giai đoạn này, hộ kinh doanh sẽ được tích hợp vào hệ thống quản lý thuế quốc gia như các doanh nghiệp nhỏ, được hỗ trợ công cụ kế toán điện tử tự động và tiếp tục hưởng ưu đãi thuế khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Nhà nước cần hỗ trợ tài chính cho các hộ ở vùng khó khăn trong quá trình chuyển đổi và thúc đẩy chính sách bảo hiểm xã hội, tín dụng, đào tạo lao động cho các hộ đã chính thức hóa.
Hà Nội cho rằng với lộ trình cụ thể và chính sách hỗ trợ phù hợp, việc chuyển đổi từ thuế khoán sang thuế kê khai không chỉ góp phần minh bạch hóa hệ thống thuế mà còn tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh phát triển bền vững và hội nhập vào nền kinh tế chính thức.
Ngân hàng khó khấu trừ thuế với người nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh TMĐT tại Việt Nam
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đề nghị xem xét bỏ quy định ngân hàng thương mại (NHTM) phải thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Vietcombank cho rằng theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký thuế để NHTM khấu trừ, nộp thuế thay. Tuy nhiên, các NHTM chỉ thực hiện lệnh chuyển tiền căn cứ trên yêu cầu của khách hàng.
Lệnh chuyển tiền chỉ có tên, số tài khoản của người thụ hưởng và ngân hàng người hưởng mở tài khoản, không yêu cầu thông tin website của người thụ hưởng. Do đó, thông tin website mà cơ quan thuế cung cấp hoàn toàn không thể sử dụng được để xác định người thụ hưởng có thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế hay không.
Ngoài ra, các nhà cung cấp nước ngoài đến từ các quốc gia khác nhau có thể có tên trùng nhau. Trường hợp chỉ xác định đối tượng phải khấu trừ theo thông tin duy nhất là tên có thể dẫn tới việc khấu trừ không đúng đối tượng.
NHTM không tham gia vào giao dịch mua bán, do đó không nắm được bản chất giao dịch và không có đầy đủ thông tin để xác định được đúng ngành kinh doanh để khấu trừ theo các tỷ lệ quy định.
Hiện nay, các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc… và Liên minh châu Âu đều không có quy định NHTM thực hiện khấu trừ thuế đối với bên bán nước ngoài. Thông lệ được OECD khuyến nghị là các nền tảng số (digital platforms) thực hiện khai, nộp thuế thay cho người bán trong hoạt động TMĐT.
Tại khoản 5 điều 6 Luật số 56/2024/QH15 có quy định sửa đổi điều 42 của Luật Quản lý thuế 2019 như sau: “Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.
“Việc quy định NHTM thực hiện khấu trừ thuế tại Luật Quản lý thuế 2019 là thiếu khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”, Vietcombank nêu.
Bộ Tài chính cho hay sẽ nghiên cứu tiếp thu vì hiện nay pháp luật thuế không quy định nhiệm vụ TCTD khấu trừ nộp thuế thay thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Lam Thanh