Chuyện về 'thôn thông minh' đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Chuyện về 'thôn thông minh' đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang
14 giờ trướcBài gốc
Những chiếc camera an ninh gắn trên các trục đường, hệ thống truyền thanh thông minh phát đều đặn từng bản tin, tiếng loa nhắc việc làng, hướng dẫn cài ứng dụng, thông báo lịch họp…, một vùng quê yên bình đang chuyển mình mạnh mẽ theo nhịp sống số của thời đại.
Số hóa nông thôn
Là thôn đầu tiên của xã Xuân Vân được công nhận là “thôn thông minh”, những năm gần đây, Khuôn Thống không chỉ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, mà còn tiên phong đưa công nghệ vào đời sống hàng ngày.
Trưởng thôn Nguyễn Năng Thuận nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào xây dựng mô hình thôn thông minh, mỗi lần có việc chung, ông lại phải đội mưa, phóng xe máy đến từng nhà thông báo. “Nhiều lúc nhắc rồi mà đến giờ họp vẫn có người quên,” ông cười chia sẻ.
Ứng dụng sản xuất thông minh giúp người dân Khuôn Thống nâng cao hiệu quả kinh tế (Ảnh: TQO).
Giờ đây, mọi việc được giải quyết gọn nhẹ qua nhóm Zalo chung của thôn, kết hợp với loa truyền thanh thông minh phát sóng từ Nhà văn hóa thôn, giúp thông tin đến được 100% hộ dân một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Đặc biệt, thôn còn thành lập tổ công nghệ số với sự tham gia của các cán bộ trẻ, tình nguyện viên, có nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt các ứng dụng như VNeID, VssID, mở tài khoản ngân hàng điện tử, truy cập các sàn thương mại điện tử…
Từ một vùng quê mà trước đây người dân "ngại" dùng điện thoại thông minh, nay mỗi hộ đều có ít nhất một thiết bị kết nối 3G/4G, 100% gia đình được phủ sóng internet cáp quang.
Theo thống kê, thôn Khuôn Thống có hơn 310 ha cây ăn quả, chủ lực là bưởi và na. Trước đây, đầu ra cho các loại nông sản tại địa phương chủ yếu phụ thuộc vào thương lái trong và ngoài huyện, dẫn đến thị trường nhỏ hẹp, giá cả bấp bênh.
Mọi thứ thay đổi kể từ khi người dân trên địa bàn thôn bắt đầu biết dùng mạng xã hội, thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, đặc biệt là thông qua livestream, bài toán đầu ra cho sản phẩm nông sản được giải hết.
Chị Phạm Thị Nhung – một trong những người tiên phong livestream bán bưởi ở Khuôn Thống – cho biết: “Hai năm trước, tôi thử quay video giới thiệu vườn bưởi nhà mình, không ngờ có nhiều người đặt mua. Sau đó, tôi livestream thường xuyên hơn, có thương lái đặt hàng cả trăm quả mỗi buổi phát trực tiếp”.
Chuyển đổi tư duy để thành công
Từ thành công của chị Nhung, nhiều hộ dân trong thôn bắt đầu học theo. Những “streamer nông dân” như anh Phan Tiến Hợi, chị Phan Thị Nguyệt, các thành viên HTX nông lâm nghiệp Phúc Ninh… giờ đây không chỉ bán hàng hiệu quả, mà còn truyền cảm hứng cho cả cộng đồng thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới thị trường tiêu dùng hiện đại.
Điển hình, không chỉ đồng hành cùng người dân trong sản xuất, HTX nông lâm nghiệp Phúc Ninh đóng vai trò trung tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
Những năm qua, HTX đã tích cực tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăm sóc cây ăn quả, đồng thời hướng dẫn thành viên quy trình sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn OCOP…
Từ năm 2022, với sự hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và chương trình “Chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp”, HTX Phúc Ninh đã xây dựng gian hàng điện tử, kết nối sàn Postmart và Voso, đưa sản phẩm bưởi Khuôn Thống đến với người tiêu dùng toàn quốc.
Những hoạt động trên là bước đi quan trọng giúp các hộ thành viên không còn phụ thuộc vào thương lái, giảm thiểu rủi ro về giá cả, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nông sản nhiều biến động.
Những thôn thông minh là điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở xã Xuân Vân (Ảnh: TQO).
Nhờ có các chương trình đào tạo của địa phương, cùng hệ thống Liên minh HTX, nhiều thành viên HTX giờ đã thành thạo kỹ năng quay video, viết bài giới thiệu sản phẩm, tương tác với khách hàng. Thành viên của các HTX còn được tư vấn xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và mã QR truy xuất nguồn gốc, góp phần tăng uy tín sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hướng tới làng du lịch thông minh
Nhận thấy tiềm năng từ mô hình “thôn thông minh”, xã Xuân Vân đang từng bước triển khai chương trình phát triển du lịch nông nghiệp đặc thù tại Khuôn Thống.
Với cảnh quan xanh mát, vườn bưởi trĩu quả, nếp sinh hoạt làng quê đặc sắc và sự thân thiện của người dân, địa phương hướng tới xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm gắn với canh tác nông nghiệp, đưa du khách vào vườn tự tay hái quả, tham gia livestream bán hàng cùng nông dân.
Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Vân, xã đang đặt mục tiêu phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sạch, công nghệ số và bản sắc địa phương. Khuôn Thống là hình mẫu đầu tiên, sau đó sẽ nhân rộng sang các thôn khác có điều kiện tương đồng.
Đáng chú ý, Liên minh HTX Việt Nam cũng đang phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang khảo sát, lựa chọn HTX có tiềm năng để hỗ trợ xây dựng mô hình HTX du lịch cộng đồng, tổ chức tập huấn kỹ năng đón khách, thiết kế tour ngắn ngày và tiếp cận các nền tảng đặt lịch trực tuyến.
Thu nhập bình quân của người dân Khuôn Thống hiện đạt trên 72 triệu đồng/người/năm – một trong những mức cao nhất xã. Không chỉ vậy, đời sống tinh thần cũng được nâng cao, người dân có thói quen cập nhật tin tức chính sách, ứng dụng công nghệ để giải quyết công việc, xây dựng môi trường sống văn minh, sạch đẹp.
Không khó để thấy những ngôi nhà mới khang trang, hàng rào cây xanh gọn gàng, đường làng ngõ xóm sạch bóng, đèn điện sáng choang mỗi tối. Khuôn Thống giờ không chỉ là nơi “đáng sống”, mà còn là hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác trong hành trình chuyển đổi số nông thôn.
Khuôn Thống là minh chứng sống động cho một nông thôn đổi thay từ nội lực cộng đồng, sự chủ động của người dân, vai trò dẫn dắt của HTX và những chính sách hỗ trợ kịp thời từ nhà nước, đặc biệt là các chương trình của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang.
Trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thì những mô hình như Khuôn Thống – nơi công nghệ gắn liền với sản xuất, cộng đồng nông dân trở thành chủ thể đổi mới – chính là hướng đi cần nhân rộng.
An Chi
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/chuyen-ve-thon-thong-minh-di-dau-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-tuyen-quang-1108247.html