Khó khăn kéo dài, kim ngạch sụt giảm
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu rau, quả tháng 6/2025 đạt 807 triệu USD, tăng 31% so với tháng trước và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2024. Con số này phản ánh tín hiệu phục hồi rõ rệt từ các DN xuất khẩu sau giai đoạn khó khăn kéo dài. Tuy nhiên, do kim ngạch 5 tháng đầu năm giảm mạnh nên tính chung 6 tháng năm 2025, tổng xuất khẩu rau, quả chỉ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Dây chuyền đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Ảnh minh họa
Phân tích về kết quả này, Tổng Thư ký Hiệp hội rau, quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, xuất khẩu sầu riêng sôi động trở lại, không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn cả thị trường Thái Lan, đây là điều rất hiếm gặp trước đây. Các vùng trồng sầu riêng trọng điểm như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ có tỷ lệ nhiễm cadimi thấp nên hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu nhiều hơn; đồng thời, DN cũng chủ động kiểm tra chất lượng từ vườn, siết chặt quy trình thu mua, đóng gói.
Ngoài sầu riêng, nhiều mặt hàng khác như dừa, chanh leo, xoài chế biến… cũng tăng trưởng tích cực. Bộ Nông nghiệp và Môi trường thống kê, trong nửa đầu năm 2025, thị trường Trung Quốc chiếm 48,2% tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất nhưng giảm mạnh 35,1% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng ấn tượng đạt 65,2%, vươn lên chiếm 9% thị phần; Hàn Quốc giữ vị trí thứ ba với 5,7%. Sự phân hóa rõ nét này cho thấy xu hướng dịch chuyển thị trường xuất khẩu đang diễn ra mạnh mẽ, phản ánh yêu cầu của thị trường ngày càng cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn thực phẩm.
Giới chuyên gia nhận định, hiện nay, thị trường nào cũng yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Nếu không đáp ứng, DN sẽ bị loại khỏi sân chơi ngay lập tức.
Theo đó, để xuất khẩu rau, quả bền vững, tránh phụ thuộc vào một thị trường, các chuyên gia khuyến nghị, DN cần tái tổ chức sản xuất trái cây theo chuỗi giá trị, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, thống nhất về chất lượng, kích cỡ, có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn và đồng đều. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, canh tác bền vững là yếu tố quan trọng để trái cây Việt vượt qua rào cản kỹ thuật, cũng như nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia.
Tái cấu trúc ngành hàng, tăng chế biến
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, quý III/2025 là cao điểm xuất khẩu sầu riêng, mặt hàng chủ lực có thể giúp ngành lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu DN và nông dân không duy trì tốt điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tiếp tục vi phạm về mã số vùng trồng, kiểm dịch thực vật thì nguy cơ bị siết lại từ các thị trường là rất lớn.
Sơ chế bưởi da xanh xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhận định “Ngành rau, quả đang tái cấu trúc mạnh mẽ từ vùng trồng, giống, tiêu chuẩn hóa đến chuỗi tiêu thụ. Cơ hội đạt 8 tỷ USD vẫn còn nếu chúng ta chuyển nhanh sang hướng nâng cao chất lượng, đa dạng thị trường, kiểm soát chuỗi giá trị”.
Đáng lưu ý, cùng với công nghệ cao trong sản xuất, chế biến là hướng đi quan trọng cho các DN xuất khẩu rau quả trong bối cảnh hiện nay. Xuất khẩu trái cây tươi vẫn bị giới hạn khi tiếp cận thị trường xa như châu Âu, Mỹ... Do đó, phát triển ngành chế biến là con đường tất yếu để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không đẩy mạnh chế biến, trái cây Việt sẽ khó chinh phục thế giới.
Ở góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho rằng, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường, tập trung cho chế biến là giải pháp mang tính bắt buộc để xuất khẩu rau, quả bền vững; đồng thời, cần kiểm soát tốt chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng và an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu ngành hàng.
Nói về giải pháp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, trong nửa cuối năm, Việt Nam tiếp tục đàm phán mở cửa thêm thị trường cho măng cụt, bơ, dừa; hỗ trợ DN thông qua xúc tiến thương mại, hội chợ quốc tế, kết nối tiêu thụ tại các thị trường tiềm năng.
Như vậy, mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm 2025 chỉ đạt có thể đạt được khi toàn ngành tăng tốc trong nửa cuối năm với mức trung bình 1 tỷ USD mỗi tháng. Để giữ nhịp tăng trưởng, điều cần thiết là phải chuyển mình toàn diện từ tư duy sản xuất đến cách tiếp cận thị trường.
Nếu không quyết liệt đẩy nhanh chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường và nâng cao chất lượng xuất khẩu chính ngạch, ngành rau quả khó có thể chinh phục mục tiêu 8 tỷ USD năm nay. Việc nắm bắt thông tin và theo dõi sát sao tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc cũng rất cần thiết để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên
Ánh Ngọc