Doanh nghiệp KCN phục hồi
Sau một giai đoạn trầm lắng và đối mặt với không ít thách thức, các doanh nghiệp khu công nghiệp đang dần lấy lại đà tăng trưởng với những tín hiệu phục hồi tích cực.
Báo cáo kết quả kinh doanh gần đây cho thấy doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành đều tăng trưởng khả quan, nhờ nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng trở lại và sự phục hồi của dòng vốn FDI.
Phản ánh kỳ vọng của thị trường, từ cuối tháng 10, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng đã bắt đầu "rục rịch" tăng trưởng trở lại. Theo đó, mã IDC tăng từ 52.900 đồng/cp lên 58.000 đồng/cp, KBC tăng từ 25.800 đồng/cp lên 28.850 đồng/cp, SIP tăng từ 70.200 đồng/cp lên 79.100 đồng/cp… Riêng SZC đã có chuỗi tăng giá từ 35.300 đồng/cp lên 41.300 đồng/cp tính từ giữa tháng 9 đến nay.
FDI đóng vai trò chủ chốt nhằm thúc đẩy lĩnh vực khu công nghiệp ở Việt Nam. Ảnh: Samsung.
Có thể thấy, việc cải thiện biên lợi nhuận từ các dự án mới cùng dòng tiền ổn định từ hoạt động kinh doanh đã giúp củng cố nền tảng tài chính, mở ra cơ hội cho các kế hoạch mở rộng và phát triển dài hạn.
Những chuyển biến tích cực này không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn tạo tiền đề cho sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong quý III/2024, Tổng công ty IDICO - CTCP (IDC) ghi nhận kết quả kinh doanh đầy ấn tượng với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 574 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chủ yếu nhờ doanh thu đột biến từ việc ghi nhận một lần các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của IDICO đạt 6.891 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ, trong đó mảng công nghiệp đóng góp 2.764 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.955 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 89% so với năm trước.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu thuần quý III đạt 1.977 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đạt gần 314 tỷ đồng, tăng 54%.
Tính chung 9 tháng đầu năm, SIP ghi nhận doanh thu hơn 5.737 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 902 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 36%. Trong đó, nguồn thu chủ lực từ mảng dịch vụ tiện ích điện, nước khu công nghiệp đạt hơn 4.783 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC (BCM) cũng khép lại 9 tháng đầu năm với doanh thu đạt 3.195 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về phần mình, Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (SZC) ghi nhận doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 641 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 227 tỷ đồng, tăng trưởng 39%. Doanh thu từ mảng khu công nghiệp chiếm 89%, với biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 46% lên 52%.
Nhiều triển vọng bứt phá
Trong ngắn hạn, việc các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp được giới đầu tư quan tâm đang đến từ sự kiện tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo các chuyên gia của SSI, ông Trump nhiều lần nhắc đến việc áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong suốt chiến dịch tranh cử. Đây là một trong những chiến lược chủ chốt của ông nhằm giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Việc gia tăng căng thẳng thương mại và chính sách bảo hộ thương mại có thể thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác trong khu vực, trong đó Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.
Các công ty Mỹ và quốc tế đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất thay thế tại Đông Nam Á sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Điều này tạo ra nhu cầu lớn đối với đất khu công nghiệp, đồng thời tăng giá trị và tính hấp dẫn của thị trường bất động sản khu công nghiệp.
Điều này đã từng được minh chứng vào năm 2018 khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra; chính sách áp thuế của ông Trump lúc đó đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phải di dời chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đơn cử như việc nhiều tập đoàn quốc tế đã di dời chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các công ty như Samsung, LG, Foxconn và Intel đều gia tăng mức đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam trong giai đoạn này. Chẳng hạn, Apple đã thúc đẩy việc mở rộng sản xuất một số dòng sản phẩm tại Việt Nam thông qua các nhà cung cấp của mình như Foxconn và Pegatron.
Samsung, LG, Foxconn, và Intel đều gia tăng mức đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam. Ảnh: VGP.
Trong dài hạn, phần lớn các tổ chức tài chính cũng đều tỏ ra lạc quan đối với bức tranh khu công nghiệp tại Việt Nam.
Công ty chứng khoán Vietcap dự báo rằng doanh số cho thuê đất khu công nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản đang được theo dõi sẽ giảm 24% so với cùng kỳ, chỉ đạt 540 ha trong năm 2024. Tuy nhiên, con số này được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào các năm 2025 và 2026, lần lượt tăng 47% lên 792 ha và 12% lên 885 ha.
Theo nhận định của nhóm phân tích, Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn lâu dài đối với dòng vốn FDI nhờ nhiều yếu tố thuận lợi. Xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu, chi phí lao động cạnh tranh, sự tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, cùng quá trình chuyển đổi sang sản xuất tiên tiến thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ năng là những động lực quan trọng, đặc biệt trong các ngành chiến lược như chất bán dẫn.
Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng đưa ra dự báo tương tự, nhấn mạnh rằng Việt Nam tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trong dài hạn. Đặc biệt, Việt Nam đang khẳng định vị thế như một trung tâm thu hút làn sóng FDI "thế hệ mới," tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo và chất bán dẫn.
Việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… đã góp phần củng cố vai trò của Việt Nam trên bản đồ đầu tư quốc tế. Nhờ đó, Việt Nam thường xuyên duy trì vị trí thứ 3 trong khối ASEAN về thu hút FDI.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ gần đây đã giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân cũng được xem là yếu tố quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp.
Thanh Thắng