Cổ phiếu Thép Nam Kim lao dốc do lo ngại xuất khẩu gặp khó

Cổ phiếu Thép Nam Kim lao dốc do lo ngại xuất khẩu gặp khó
4 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy yếu sau giai đoạn tích lũy, nhóm cổ phiếu thép nói chung, cổ phiếu Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG) nói riêng đang có xu hướng lao dốc khá nhanh.
Nếu như giai đoạn đầu tháng 8 đến đầu tháng 11/2024, cổ phiếu NKG chỉ giao dịch trong biên độ 20.600 - 22.300 đồng/cổ phiếu, thì bước vào giai đoạn giữa tháng 11 tới nay, cổ phiếu NKG bất ngờ giảm mạnh. Trong đó, tính từ ngày 11/11 đến ngày 15/11, cổ phiếu NKG đã giảm 11,6%, từ 21.600 đồng về 19.100 đồng/cổ phiếu và vẫn tiếp tục xu hướng giảm khi đang giao dịch dưới đường hỗ trợ MA 100 và MA 200.
Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý khác, từ tháng 6/2024 tới nay, các thị trường xuất khẩu thép chủ yếu của Việt Nam như EU, Mỹ, Malaysia… có những động thái liên quan đến việc điều tra chống bán phá giá đối với thép Việt Nam. Điều này cũng là rủi ro tiềm tàng, làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá sản phẩm của Thép Nam Kim nói riêng và sản phẩm thép của Việt Nam nói chung.
Riêng đối với Thép Nam Kim, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 67,8% tổng doanh thu trong 9 tháng của năm 2024, tập trung vào các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ… Vì vậy, hoạt động xuất khẩu của Thép Nam Kim tiếp tục khó khăn do rào cản thương mại tại các nước nhập khẩu.
Thực tế, trong giai đoạn từ năm 2021 tới nay, khi lĩnh vực bất động sản thương mại ở Việt Nam gặp khó khăn, Thép Nam Kim đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để hỗ trợ đà lao dốc thị trường nội địa. Trong đó, năm 2020, doanh thu xuất khẩu chỉ đạt 4.739,55 tỷ đồng, chiếm 41% tổng doanh thu, nhưng tới năm 2023, doanh thu xuất khẩu đã lên tới 11.036,49 tỷ đồng, chiếm 59,3% tổng doanh thu.
Mặc dù thị trường xuất khẩu đang gặp áp lực liên quan tới thuế chống bán phá giá, nhưng các đơn vị phân tích vẫn có cái nhìn tích cực đối với triển vọng ngành thép.
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), nhu cầu thép nội địa được kỳ vọng hồi phục từ thị trường xây dựng và các dự án đầu tư trọng điểm được đẩy mạnh triển khai giai đoạn cuối năm. Ngoài ra, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ có thể được áp dụng vào đầu quý I/2025, giúp gia tăng sản lượng nội địa.
Bức tranh ngành thép có những mảng sáng - tối đan xen. Trong bối cảnh này, Thép Nam Kim có động thái chuẩn bị chào bán cổ phiếu để huy động vốn.
Cụ thể, Thép Nam Kim sẽ chào bán 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.579,7 tỷ đồng, sau khi được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận.
Quay trở lại với diễn biến giá cổ phiếu lao dốc gần đây, việc cổ phiếu NKG lao dốc và chưa có dấu hiệu chạm đáy, làm giảm sức hấp dẫn đợt chào bán cổ phiếu và gây áp lực pha loãng đối với cổ đông hiện tại.
Thép Nam Kim cho biết thêm, số tiền huy động sẽ sử dụng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư Dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ, thời gian giải ngân dự án đầu tư từ quý IV/2024 đến quý I/2025.
Dự kiến, Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ đi vào sản xuất thương mại từ quý I/2026 và đạt 100% công suất từ năm 2027, với công suất tăng thêm dây chuyền mạ kẽm là 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.
Thực tế, trước giai đoạn chào bán, kết quả kinh doanh của Thép Nam Kim đang khả quan từ nền thấp trong năm 2023. Trong đó, 9 tháng năm 2024, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu tăng 14,2%, lên 16.139,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 296%, lên 434,59 tỷ đồng và hoàn thành 129,2% so với kế hoạch năm.
Tuy nhiên, dưới áp lực cạnh tranh, giới phân tích đang lo ngại bức tranh lợi nhuận có thể suy giảm trở lại. Trong đó, Agriseco Research cho rằng, kết quả kinh doanh của Thép Nam Kim sẽ chững lại trong quý IV/2024 do kênh xuất khẩu còn khó khăn và sản lượng từ thị trường nội địa chịu áp lực từ thép giá rẻ Trung Quốc, trong khi quyết định chống bán phá giá tạm thời chưa được áp dụng.
Duy Bắc
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/co-phieu-thep-nam-kim-lao-doc-do-lo-ngai-xuat-khau-gap-kho-d230573.html