Công nghệ góp phần bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số

Công nghệ góp phần bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
6 giờ trướcBài gốc
Trong thời đại hiện nay, việc ứng dụng công nghệ để số hóa hệ thống chữ viết các dân tộc thiểu số là nhu cầu tất yếu, nhưng công tác này còn nhiều bất cập, cần những giải pháp phù hợp tránh nguy cơ thất truyền.
Nguy cơ mai một
Tiến sĩ Phan Lương Hùng (Viện Ngôn ngữ học) cho biết, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có khoảng 33-34 dân tộc có hệ thống chữ viết riêng, nhưng do đặc điểm khác nhau của từng dân tộc nên nhu cầu sử dụng ngôn ngữ cũng khác nhau. Có một thực tế là một số đang bị “bỏ quên”, đặc biệt là ngôn ngữ của các dân tộc có số lượng dưới 1.000 người như Brâu, Si La, Rơ Măm, Pu Péo, Ơ Đu...
Ở nhiều bản làng dân tộc thiểu số, khách du lịch có thể nhận thấy, số lượng người nói tiếng dân tộc mình ngày càng ít đi. Kết quả điều tra, thu thập thông tin kinh tế-xã hội 53 dân tộc của Cục Thống kê năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi nói được tiếng dân tộc mình là 58%.
Đặc biệt, người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ dân tộc mình chỉ có khoảng 16%. Điều tra, thu thập thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 cũng đã được tiến hành, dù chưa chính thức công bố kết quả, nhưng một số chuyên gia ngôn ngữ học nhận định, tỷ lệ người trẻ các dân tộc thiểu số biết đọc và viết ngôn ngữ dân tộc mình chưa thể khả quan, nếu không muốn nói là có nguy cơ sụt giảm hơn do ảnh hưởng của yếu tố hội nhập văn hóa và do chính quyền các địa phương vẫn chưa có các giải pháp căn cơ hiệu quả để bảo vệ, phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.
Đối với nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người, do phạm vi sử dụng hẹp nên khó phát huy được giá trị ngôn ngữ trong đời sống văn hóa cộng đồng. Do địa hình phân bố ở các vùng núi cao là chủ yếu nên việc lan tỏa cũng như sự ảnh hưởng của hệ thống chữ viết và văn hóa những tộc người này ra cộng đồng còn hạn chế.
Đây cũng đồng thời là rào cản lớn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn. Điều này một lần nữa chỉ ra rằng nếu không có một chính sách đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, việc mất mát ngôn ngữ, đặc biệt chữ viết một số dân tộc thiểu số là không tránh khỏi.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từng công bố kết quả một nghiên cứu cho rằng, một nửa trong số ngôn ngữ thế giới đang có nguy cơ biến mất do ảnh hưởng của các nhân tố khách quan và chủ quan như dân số, văn hoángôn ngữ, tâm lý-xã hội, chính sách và việc thực thi chính sách ngôn ngữ.
Cảnh báo trên không loại trừ thực tiễn Việt Nam, và trong tình hình hiện nay, bên cạnh các giải pháp như tăng cường giảng dạy trong nhà trường, việc số hóa các ngôn ngữ dân tộc thiểu số là cần thiết, thậm chí cấp bách, càng sớm càng tốt.
Cần ưu tiên công tác số hóa
Dữ liệu là câu chuyện sống còn trong đời sống số hiện nay. Đối với công tác bảo vệ, giữ gìn hệ thống chữ viết các dân tộc thiểu số, điều này càng quan trọng. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có vấn đề bảo vệ ngôn ngữ các dân tộc như một phương thức kết nối và củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Dự án các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã được Viện Ngôn ngữ học triển khai nhằm cụ thể hóa các chính sách này, tuy nhiên hiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Đầu tiên là hệ thống chữ viết của các dân tộc thiểu số khác nhau về mặt định dạng. Một số ngôn ngữ sử dụng hình thức chữ viết bắt nguồn từ tiếng Phạn (Sanskrit), một số sử dụng hệ chữ La-tinh (Latin), trong khi một số khác lại có chữ viết dạng hình vẽ hoặc chữ viết như chữ Khmer.
Sự đa dạng về hình thức trong các loại chữ viết của các dân tộc thiểu số là yếu tố thách thức để chuyển font ký tự trong công tác số hóa. Một số font chữ dân tộc thiểu số vi phạm các quy định tiêu chuẩn ký tự Unicode, do đó khi hiển thị trên internet sẽ lại chuyển về ký tự chuẩn Unicode mà không phải là ký tự riêng của các dân tộc.
Theo chuyên gia công nghệ, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, cần phải có quy hoạch tổng thể về phân bổ ký tự cho ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, giúp công tác số hóa dữ liệu đồng bộ, quy mô, dễ dàng triển khai hơn.
Công nghệ rất quan trọng, nhưng trong số hóa ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, cốt lõi vẫn là con người, cụ thể là vai trò của chuyên gia. Hiện số người hiểu biết về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số rất ít ỏi, số người vừa hiểu biết vừa thông thạo công nghệ còn ít hơn nữa. Trong khi đó, việc số hóa từng ngôn ngữ cụ thể cần phải dựa vào các nghiên cứu, hiểu biết của các nhà nghiên cứu. Các nhà ngôn ngữ học phải cùng tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện bộ chữ của mỗi dân tộc rồi trên cơ sở đó, chuyên gia công nghệ sẽ mã hóa các ký tự.
Tiến sĩ Phan Lương Hùng nhận định: “Gần đây việc dạy và học ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số đã được đẩy mạnh, đây cũng là cơ sở để có được nguồn dữ liệu quý phục vụ công tác số hóa. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang có những tác động tích cực đến đời sống văn hóa, trong đó có công tác số hóa ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Dự án số hóa các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam dù gặp một số khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng nếu có một sự ưu tiên đầu tư thích đáng về tài chính và nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể hoàn thiện sớm.
"Về vấn đề font chữ hiện đang có các quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng cần xây dựng bộ chữ chung cho các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, quan điểm khác lại cho rằng cần xây dựng bộ chữ theo ngữ hệ vùng miền, và có quan điểm quy tất cả về hệ font chữ Unicode. Tôi nghĩ cách làm nào cũng được, và sẽ luôn có giải pháp công nghệ cho câu chuyện này. Vấn đề là có đủ sự quan tâm của các cơ quan quản lý, của Nhà nước cũng như có đủ nguồn lực để triển khai hay không? Hiện nay tôi thấy nguồn ngân sách cho bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số vẫn còn dàn trải, thiếu tập trung. Chúng ta xác định ưu tiên cho vấn đề nào trước tiên mới là quan trọng”, Tiến sĩ Phan Lương Hùng nói thêm.
Bảo tồn, phát huy chữ viết các dân tộc thiểu số là cách ứng xử cho thấy các dân tộc dù nhỏ, dù lớn đều bình đẳng trong “mái nhà” chung. Ngoài ra còn góp phần tăng cường tính kết nối giữa các dân tộc anh em, củng cố các giá trị bản sắc như một nền tảng bền vững để phát triển văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới. Việc số hóa ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là cấp bách, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân phải trở thành một sứ giả thông qua việc giữ gìn, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa bằng nói và viết ngôn ngữ dân tộc mình.
VŨ QUỲNH TRANG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/cong-nghe-gop-phan-bao-ton-ngon-ngu-cac-dan-toc-thieu-so-post894902.html