Cú nổ từ FED: Việt Nam trước cơ hội hút vốn ngoại

Cú nổ từ FED: Việt Nam trước cơ hội hút vốn ngoại
một ngày trướcBài gốc
Thông tư 68 của Bộ Tài chính được ban hành, nhà đầu tư nước ngoài cũng đi tìm cơ hội đầu tư. Ảnh: Huyền Châm
Tâm điểm thị trường tài chính thế giới những ngày qua là động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Điểm bất ngờ hơn cả trong quyết định điều chỉnh lãi suất của tổ chức này đó là tỷ lệ giảm lên tới 0,5%, gấp đôi hầu hết dự đoán của giới chuyên gia.
Không những vậy, biểu đồ Dot plot (tài liệu thể hiện trực quan nhận định của các quan chức FED về lãi suất quỹ liên bang trong tương lai) phiên bản tháng 9 cho thấy, FED sẽ cắt giảm lãi suất nhanh hơn trong ngắn hạn với dự báo cuối năm 2024 sẽ giảm thêm 0,5% nữa, xuống khoảng 4,4%; và năm 2025 sẽ giảm thêm 1%. Đồng nghĩa với việc động thái của FED vừa qua chính thức mở đầu cho chu kỳ nởi lỏng chính sách của cơ quan này.
Vậy, với cú nổ thông tin này từ FED, dòng vốn đầu tư toàn cầu, đặc biệt là dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) sẽ xoay chuyển ra sao? Dòng tiền có dịch chuyển từ các thị trường phát triển qua các thị trường mới nổi, cận biên, trong đó có Việt Nam hay không? Đặc biệt trong bối cảnh thị trường Việt đang tiệm cận nâng hạng lên mới nổi.
Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn ghi nhận ý kiến bình luận của các chuyên gia tài chính xoay quanh vấn đề đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm:
Ông Huỳnh Anh Tuấn
Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS): Dòng vốn nhiều khả năng sẽ xoay chiều đổ vào chứng khoán
Nhìn lại quá khứ, khi FED giảm lãi suất, thị trường chứng khoán thường có kịch bản xấu. Bởi, khi FED duy trì lãi suất cao, đồng nghĩa nền kinh tế Mỹ được đánh giá là tốt trong đó CPI cao. FED điều chỉnh giảm lãi suất là khi nền kinh tế có dấu hiệu khó khăn, doanh nghiệp bắt đầu rơi vào trạng thái khó khăn, thu nhập người dân giảm, thất nghiệp tăng, tiêu dùng ít đi, giá cả hàng hóa giảm. Tuy nhiên, lần này có thể đã khác.
Tôi nghĩ FED giảm lãi suất 0,5% là chưa đủ mạnh. Dòng vốn nước ngoài chưa thể dịch chuyển khỏi các thị trường lớn ngay. Tuy nhiên, việc rút vốn khỏi thị trường đang phát triển diễn ra lâu nay sẽ dừng lại vì họ nhìn thấy lộ trình hạ lãi suất. Đầu tiên, động thái đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài là sẽ phán đoán nhìn đường dài lãi suất còn xuống, theo đó sẽ không rút vốn mạnh như trước đây.
Với Việt Nam, khối ngoại đã rút ròng con số kỷ lục hơn 2 tỷ USD. Dù dòng tiền trong nước đã tỏ ra cân đối được động thái bán ròng của khối ngoại nhưng nếu vẫn bán ròng thì thị trường sẽ gặp khó. Cho nên, với động thái từ FED, khối ngoại sẽ ngưng bán ròng, tiền đã rút có thể quay trở lại giúp giải tỏa tâm lý nhà đầu tư trong nước, dòng tiền sẽ mạnh lên. Trên thị trường, khối ngoại đã mua ròng 4/5 phiên trong tuần từ 16-20/9 trên sàn chứng khoán TP.HCM, tổng giá trị mua ròng cổ phiếu là hơn 1.200 tỷ đồng.
Cùng với FED, một số ngân hàng trung ương khác cũng giảm lãi suất, nhưng khác với thông lệ, Việt Nam không tăng lãi suất. Trước đó một số nhận định cho rằng cuối năm Việt Nam sẽ tăng lãi suất nhưng thực tế vừa qua còn giảm lãi suất ở thị trường liên ngân hàng. Thêm nữa thiệt hại từ cơn bão số 3 vừa qua cũng góp phần khiến chúng ta không tăng lãi suất. Trong nước không tăng lãi suất thì dòng vốn nhiều khả năng sẽ xoay chiều đầu tư vào chứng khoán.
Thêm nữa, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 68 gỡ bỏ các nút thắt trong giao dịch ký quỹ với nhà đầu tư nước ngoài giúp thị trường chứng khoán cận kề được nâng hạng lên mới nổi, là một yếu tố quan trọng để dòng vốn nước ngoài định hình sức hấp dẫn với thị trường Việt. Dòng vốn không có lý do rút ra tiếp, hàng loạt quỹ đầu tư sẽ nhìn Việt Nam thấy hấp dẫn hơn. Với các quỹ chưa có ý định đầu tư hoặc chỉ thăm dò thì sẽ giải ngân mạnh.
Thông thường, khi một thị trường sắp được nâng hạng lên mới nổi thường tăng 15-20%, là cơ hội với các quỹ đầu tư lớn, quỹ bảo hiểm. Sau thời gian im ắng, các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, nhà đầu tư cá nhân sẽ bắt đầu trở lại vì nhìn thấy cơ hội. Các quỹ quy mô lớn hiện vẫn quan sát chưa giải ngân, họ còn theo dõi chính sách, thường giai ngân ở giai đoạn chín muồi.
Ông Nguyễn Thanh Lâm
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc phân tích Khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank (MSVN): Khối ngoại sẽ thể trở lại mua ròng
FED hạ lãi suất 0,5% dù là mức cao so với thông lệ nhưng mặt bằng lãi suất tại Mỹ vẫn chưa là thấp nên trong ngắn hạn cũng không quá kỳ vọng sẽ có sự đảo chiều mạnh mẽ, đột ngột của dòng vốn ngoại.
Trước thời điểm FED hạ lãi suất, so với khu vực thì thị trường Việt bị bán ròng đáng kể, đến từ nhiều lý do trong đó có việc chúng ta hành động hạ lãi suất sớm, nhanh hơn dẫn tới chênh lệch tỷ giá VND và USD khiến giới đầu tư lo ngại. Nhưng với hành động của FED, tôi cho rằng khối ngoại sẽ giảm bán ròng, có thể quay trở lại mua ròng ở một số quỹ. Có thể nhận thấy 2-3 tuần trở lại đây, giao dịch ở nhà đầu tư nước ngoài trở nên cân bằng hơn. Một số dự báo sẽ có những dòng tiền mới của khối ngoại đang chờ giải ngân vào thị trường.
Tôi cho rằng sẽ nhìn thấy sự cải thiện dòng vốn ngoại từ nay tới cuối năm. Bởi Việt Nam còn có câu chuyện đặc biệt từ tiến trình nâng hạng thị trường khi Thông tư 68 của Bộ Tài chính được ban hành. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đi tìm cơ hội đầu tư.
Thường lệ, 6-9 tháng trước khi thị trường được nâng hạng chính thức là giai đoạn khởi sắc dòng vốn thông minh tìm tới trước, dòng vốn đầu tư thụ động sẽ tìm tới sau. Như vậy có thêm lý do nghĩ tới việc Việt Nam giảm áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại. Quý cuối năm, khối ngoại sẽ thường xuyên ở trạng thái mua ròng.
Về lý thuyết, FED hạ lãi suất là cơ hội cho dòng vốn dịch chuyển sang thị trường mới nổi nhiều hơn. Nhưng câu chuyện hạ lãi suất mạnh tay trong tương lai thường gắn liền nỗi lo nền kinh tế Mỹ bước vào suy thoái. Nên điểm quan trọng là theo dõi nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng hay mềm. Nếu kinh tế Mỹ hạ cánh mềm thì dòng vốn sẽ tìm tới thị trường khác vì với lãi suất bớt hấp dẫn nhà đầu tư sẽ muốn kiếm tiền nhiều hơn nên dịch chuyển vốn. Nhưng nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, sức khỏe kinh tế toàn cầu có vấn đề, nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn hàng hóa mang tính trú ẩn như vàng, mục tiêu lúc đó là bảo vệ tài sản.
Ông Trương Hiền Phương
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam: Việt Nam có nhiều dư địa điều tiết chính sách tiền tệ
Tôi cho rằng lãi suất tại Mỹ vẫn neo ở mức quanh 4,5% chưa phải là cú kích hoạt cho dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường Mỹ để quay về các thị trường cận biên, mới nổi.
Tuy nhiên có 2 điểm tích cực:
Thứ nhất, số đông chuyên gia tài chính, nhà đầu tư kỳ vọng FED giảm lãi suất 0,25%, số dự báo hạ 0,5% là rất ít. Việc tổ chức này hạ 0,5% là phát súng cho thấy nền kinh tế Mỹ tương đối ổn định, lạm phát trên đà đi xuống. Khi lạm phát Mỹ trên đà giảm sẽ mở ra điểm thứ hai là FED sẽ còn giảm lãi suất nữa.
Dòng tiền thường đầu tư không theo hướng quá khứ hay hiện tại mà đầu tư theo hướng tương lai, với xu hướng lãi suất còn hạ, các dòng vốn đầu tư FII sẽ dự báo tình hình và có bước đảo chiều, dịch chuyển vốn trước khi lãi suất tiệm cận về ngưỡng 3%. Như vậy, rõ ràng chưa thấy ngay dòng vốn rút ra khỏi thị trường lớn nhưng sẽ có sự tính toán, chuẩn bị rút ra.
Dòng vốn ngoại rút ra khỏi các thị trường mới nổi cận biên sẽ ngưng lại và có hướng đảo chiều. Họ sẽ quay lại mua ròng, tận dụng giá cổ phiếu hiện còn rẻ để mua trước khi dòng vốn ở các thị trường lớn ồ ạt quay lại. Tôi cho rằng trong ngắn hạn chưa có chuyển biến mạnh nhưng trung, dài hạn tình hình sẽ xoay chuyển.
Thêm nữa Thông tư 68 giúp thị trường hoàn tất yếu tố kỹ thuật để sớm được nâng hạng, kịch bản sớm nhất sẽ diễn ra vào quý I/2025.
Việt Nam có dư địa lớn cho việc điều tiết chính sách tiền tệ trong nước qua công cụ lãi suất, tỷ giá, mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Lãi suất cho vay ở mức thấp, giúp chi phí vốn của doanh nghiệp giảm, biên lợi nhuận tăng. Chi phí vốn rẻ, doanh nghiệp mạnh dạn tái đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển cho tương lai nhiều hơn.
Cuối cùng, lãi suất huy động thấp, tiền gửi sẽ giảm sức hấp dẫn. Người dân có tiền nhàn rỗi sẽ đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực khác như mở rộng sản xuất, đầu tư bất động sản, cổ phiếu hoặc vàng… Nhưng khách quan nhìn nhận, thị trường vàng gần như đã đạt đỉnh, thị trường bất động sản chỉ mới ấm lại cục bộ ở một số phân khúc, một số vị trí địa lý. Thị trường chứng khoán với tính thanh khoản cao, biên lợi nhuận hấp dẫn vẫn là kênh hút vốn nhanh nhất.
Chúng ta sẽ chuẩn bị đón chờ dòng vốn rẻ sẽ quay trở lại, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn giải ngân, thay đổi tâm lý từ bi quan tiêu cực chuyển sang tâm lý lạc quan. Cộng thêm câu chuyện nâng hạng gần như chắc chắn sẽ có nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới tìm tới thị trường Việt. Nếu như ở thị trường cận biên, quy mô quỹ đầu tư chỉ đạt vài chục tới 100 triệu USD, khi được nâng hạng, quy mô quỹ đầu tư sẽ lên vài trăm triệu USD thâm chí cả tỷ USD. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thăng hoa, VN-Index sẽ dao động ở vùng 1.300-1.400 điểm trong thời điểm cuối năm nay với thanh khoản tăng đáng kể.
Với Việt Nam, chi phí vốn rẻ, doanh nghiệp mạnh dạn tái đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển cho tương lai nhiều hơn.
Huyền Châm
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/cu-no-tu-fed-viet-nam-truoc-co-hoi-hut-von-ngoai-313560.html