Người dân nông thôn di chuyển đến thủ đô La Habana để tìm kiếm cơ hội việc làm. Ảnh: Phi Hùng/PV TTXVN tại Mỹ Latinh
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, buổi lễ có sự tham dự của nguyên Chủ tịch Cuba Rául Castro cùng 440 đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh đất nước đang đối mặt tình trạng thiếu hụt hàng hóa cơ bản, lạm phát phi mã lên tới 77% năm 2023 và những đợt mất điện kéo dài do thiếu nhiên liệu và hệ thống máy phát điện lạc hậu.
Chủ tịch Díaz-Canel thẳng thắn thừa nhận những khó khăn hiện nay và khẳng định quyết tâm không đầu hàng trước những thách thức. Ông nhấn mạnh rằng các biện pháp bao vây cấm vận kéo dài hơn 60 năm qua vẫn là rào cản chính đối với sự phát triển của Cuba, đồng thời chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu để tạo nguồn thu ngoại tệ.
Chủ tịch Cuba yêu cầu tập trung phát triển các mặt hàng chủ lực như thuốc lá, than đá, mật ong và các sản phẩm công nghiệp dược phẩm sinh học, song song với đó là giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu khi 80% nhu yếu phẩm của đất nước phải nhập từ nước ngoài.
Trong khuôn khổ kỳ họp, Quốc hội Cuba đã thông qua 4 đạo luật quan trọng, nổi bật là Luật Hộ tịch mới cho phép công dân thay đổi giới tính trên giấy tờ mà không cần phẫu thuật chuyển đổi - một bước tiến lớn về quyền bình đẳng giới. Các bộ luật khác bao gồm Luật Hệ thống Thể thao, Luật Xử lý vi phạm hành chính và đặc biệt là Bộ luật Bảo vệ Trẻ em - Thanh thiếu niên được Chủ tịch Díaz-Canel đánh giá là công cụ quan trọng để chống lại các tệ nạn xã hội như ma túy và bạo lực.
Về chính sách đối ngoại, Chủ tịch Díaz-Canel khẳng định Cuba tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Nga, Venezuela và Nicaragua, đồng thời duy trì đối thoại xây dựng với Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng cảnh báo những chính sách thù địch ngày càng gia tăng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia bị coi là bảo trợ khủng bố, đã gây ra những khó khăn nghiêm trọng trong giao dịch tài chính quốc tế của đảo quốc này.
Cuba đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 11% trong 5 năm qua, lạm phát phi mã và làn sóng di cư ồ ạt chưa từng có với hơn 500.000 người rời bỏ đất nước kể từ năm 2022. Các biện pháp cải cách kinh tế gần đây như thống nhất tỷ giá, hợp pháp hóa doanh nghiệp tư nhân và chấp nhận sử dụng đồng USD song song với đồng nội tệ được kỳ vọng sẽ từng bước ổn định tình hình, mặc dù Chủ tịch Díaz-Canel thừa nhận điều này cũng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Mai Phương (TTXVN)