Cục Khí tượng thủy văn: Nguy cơ nhiều loại hình thiên tai đi kèm bão số 3

Cục Khí tượng thủy văn: Nguy cơ nhiều loại hình thiên tai đi kèm bão số 3
11 giờ trướcBài gốc
Mối nguy lớn nhất của cơn bão số 3 là lũ quét và sạt lở đất. Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão Wipha), ngày 19/7, Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã họp trực tuyến, đưa ra nhận định về các khả năng, diễn biến của cơn bão số 3 trong điều kiện và hiện trạng quan trắc khí tượng thủy văn, hải văn và hệ thống quan sát trên cao.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng thủy văn) Hoàng Phúc Lâm cho biết sau khi vào Biển Đông, bão di chuyển khá nhanh với tốc độ trung bình khoảng 20km/giờ, cường độ mạnh nhất có thể đạt cấp 12 khi tiếp cận với đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Cũng theo cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, phân bố vùng mưa và gió mạnh của bão lệch về phía Tây và phía Nam. Vì vậy, mưa dông trước bão có thể xảy ra vào khoảng ngày 20-21/7 khi bão ở ngoài vịnh Vịnh Bắc Bộ, phía Đông của bán đảo Lôi Châu.
Với dự báo quỹ đạo và cường độ hiện tại, khả năng bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền từ khoảng sáng 22/7, gây gió mạnh ven biển và đặc biệt là một đợt mưa rất lớn trên hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Một số nơi, lượng mưa trong vòng 3 giờ có thể đạt đến 150 mm, khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tăng cao ở Bắc Bộ và hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Thông tin thêm về nguy cơ thiên tai, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhấn mạnh mối nguy lớn nhất của cơn bão này là lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt ở khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Do vậy, các địa phương cần tính đến khả năng vùng mưa lớn sang đến đất Lào nhưng vẫn quay ngược về Việt Nam, như tình huống đã từng xảy ra năm 2019.
Một nguy cơ khác đáng lưu tâm là gió giật mạnh trên đất liền. Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn, bão số 3 sẽ tác động trên đất liền trên nền nhiệt độ đang rất nóng, gió giật có thể tăng thêm 3 cấp so cấp gió ở tâm bão, thay vì 2 cấp như thông thường. Về mưa, cần tính toán rất kỹ phương án dự báo mưa trước, trong và sau bão.
Về công tác quan trắc khi bão ở ngoài biển, theo ông Cường, trạm Bạch Long Vĩ khả năng sẽ không phải điểm có gió mạnh nhất của bão mà là các trạm đảo của Quảng Ninh.
Trước tình hình trên, ông Cường yêu cầu Trung tâm Điều tra khảo sát và Công nghệ, dịch vụ khí tượng thủy văn phối hợp cùng Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia lựa chọn điểm đặt thiết bị quan trắc, tăng cường số liệu để đánh giá quy mô ảnh hưởng của bão.
Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Nguyễn Thượng Hiền cũng yêu cầu các đơn vị dự báo tập trung cao độ cho việc đảm bảo thông tin, kết nối phục vụ cho dự báo, cảnh báo sớm. Trong đó, các đơn vị dự báo chú trọng việc cung cấp thông tin cho hệ thống chỉ đạo, chỉ huy phòng chống giảm nhẹ thiên tai do bão lũ, lũ quét sạt lở ở các cấp.
Đặc biệt, các đơn vị cần chú trọng việc đảm bảo cung cấp nguồn tin khuyến cáo cho công tác chỉ đạo chỉ huy ở cấp tỉnh, chú ý kết nối với các địa phương cấp xã phường thông qua các cấp chính quyền đến ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phục vụ chỉ đạo chỉ huy kịp thời.
Cùng với đó, các đơn vị dự báo cần kết nối và khai thác hệ thống ngành dọc của các sở Nông nghiệp và môi trường các tỉnh, thành phố để phục vụ kịp thời mọi tình huống thiên tai, góp phần giảm nhẹ các nguy cơ rủi ro thiên tai của cơn bão số 3 trong các ngày trước trong và sau bão số 3./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/cuc-khi-tuong-thuy-van-nguy-co-nhieu-loai-hinh-thien-tai-di-kem-bao-so-3-post1050522.vnp