Ảnh tư liệu: Mẫu xe điện của BYD tại Triển lãm ô tô quốc tế ở Munich, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Động thái này cho thấy "cuộc chiến" giá xe điện tại Trung Quốc vẫn tiếp diễn, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với mức lương suy giảm và triển vọng không chắc chắn.
Ông He Zhiqi, Phó Chủ tịch BYD, nhấn mạnh rằng cạnh tranh trong thị trường EV sẽ ngày càng gay gắt, trở thành "trận chiến quyết định" trong năm 2025. BYD kêu gọi các nhà cung cấp "hợp tác và tiếp tục giảm chi phí" để tăng cường sức cạnh tranh của mình.
Ông Li Yunfei, Giám đốc thương hiệu và quan hệ công chúng của BYD, dường như đã thừa nhận thông tin trên thông qua mạng xã hội Weibo, nhấn mạnh rằng việc đàm phán giá hàng năm với các nhà cung cấp là thông lệ phổ biến trong ngành ô tô. Tuy nhiên, ông khẳng định việc giảm giá không mang tính bắt buộc và có thể thương lượng.
Thị trường ô tô
Trung Quốc, vốn giữ vị trí lớn nhất thế giới trong 15 năm qua, đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt kể từ khi Tesla khởi động cuộc chiến giá vào năm 2022 với việc giảm giá xe Model 3 và Model Y. Hiện tại, hơn 200 hãng EV Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, và nhiều chuyên gia dự báo rằng các công ty nhỏ sẽ khó tồn tại trong cuộc đua này.
BYD, chiếm 36,1% thị phần xe điện tại Trung Quốc trong 10 tháng kể từ đầu năm 2024, đang tận dụng lợi thế chuỗi cung ứng tích hợp để duy trì vị thế dẫn đầu. Tuy nhiên, việc giảm giá mạnh tay cũng gây áp lực lớn lên các nhà cung cấp.
Việc yêu cầu giảm giá đang khiến các nhà cung cấp linh kiện gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp như Chongqing Sulian Plastic và Alnera Aluminium đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh sau thông tin từ BYD. Các nhà phân tích lo ngại rằng các nhà cung cấp nhỏ, vốn không có nhiều nguồn lực tài chính, sẽ phải cắt giảm lương nhân viên để duy trì hoạt động.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, động thái của BYD đã làm dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến chỉ trích BYD vì áp lực này có thể khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng và mức lương giảm thêm nghiêm trọng.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng việc giảm giá là cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và những thách thức từ thuế quan mới của Liên minh châu Âu (EU) cũng như nguy cơ chiến tranh thương mại dưới chính quyền mới của Mỹ.
Minh Trang (Theo CNN)