Video: Toyota ra mắt loại pin thể rắn hoàn toàn mang tính cách mạng.
Dù thị trường xe điện toàn cầu đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, cuộc đua về công nghệ pin, yếu tố then chốt định hình tương lai ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa hề hạ nhiệt. Tâm điểm lúc này chính là pin thể rắn, công nghệ được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho xe điện với phạm vi di chuyển lên tới 1.000 km chỉ sau một lần sạc.
Công nghệ pin thể rắn “vũ khí chiến lược” ngành ôtô
Pin thể rắn (solid-state battery) được xem là thế hệ kế tiếp của pin lithium-ion truyền thống. Với khả năng lưu trữ năng lượng lớn hơn, trọng lượng nhẹ hơn và ít rủi ro cháy nổ, công nghệ này hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn cách vận hành và thiết kế xe điện. Quan trọng hơn, nó giải quyết được những lo ngại phổ biến của người dùng như thời gian sạc lâu, phạm vi di chuyển giới hạn hay độ bền pin.
Chính vì thế, bất chấp nhu cầu tiêu dùng đang chững lại, các tập đoàn ô tô lớn trên toàn cầu vẫn quyết liệt đầu tư hàng tỷ USD để giành lấy lợi thế trong cuộc đua pin thể rắn.
Tại châu Âu, BMW đang là một trong những nhà sản xuất dẫn đầu trong quá trình hiện thực hóa pin thể rắn. Gần đây, hãng đã bắt đầu thử nghiệm mẫu sedan điện i7 phiên bản đặc biệt tại Munich, sử dụng bộ pin thể rắn do Solid Power (Mỹ) phát triển. Đây là bước đệm cho nền tảng xe điện mới Neue Klasse, dự kiến ra mắt trong những năm tới.
Mercedes-Benz cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Từ đầu năm 2025, hãng đã bắt đầu chạy thử mẫu EQS sử dụng pin thể rắn do Factorial Energy cung cấp. Pin mới này có mật độ năng lượng cao hơn tới 25% so với loại pin hiện nay, cho phép xe đi xa hơn mà không tăng trọng lượng. Mercedes kỳ vọng công nghệ này sẽ mở ra các hướng đi mới về thiết kế xe, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn an toàn và tiết kiệm không gian.
Trong khi đó, Stellantis tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Peugeot, Jeep và Fiat, cũng đang tăng tốc hợp tác cùng Factorial, với kế hoạch bắt đầu thử nghiệm pin thể rắn trên quy mô thực tế vào năm 2026.
Nhật Bản tăng tốc, Trung Quốc phản công
Không muốn tụt lại, các nhà sản xuất Nhật Bản như Toyota, Nissan và Honda đều đã công bố lộ trình phát triển pin thể rắn. Toyota đặt mục tiêu thương mại hóa công nghệ này vào năm 2027, còn Nissan hướng đến 2028. Honda thì âm thầm nghiên cứu để áp dụng không chỉ cho ô tô mà cả xe máy điện.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định các hãng Nhật sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ Trung Quốc, nơi các “ông lớn” như CATL, BYD và Nio đang vừa cạnh tranh, vừa liên minh để thúc đẩy thương mại hóa pin thể rắn nhanh hơn.
Đặc biệt, CATL nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, đang phát triển nhiều công nghệ đột phá như pin lithium kim loại, pin kép siêu dung lượng và pin natri-ion bền bỉ, mở rộng phạm vi hoạt động của xe lên đến 1.500 km. Đây chính là áp lực khiến các nhà sản xuất phương Tây và Nhật Bản phải hành động nhanh chóng nếu không muốn mất vị thế.
Dù tiềm năng là rất lớn, pin thể rắn vẫn còn nhiều rào cản: chi phí sản xuất cao, kỹ thuật chế tạo phức tạp, tuổi thọ chưa ổn định khi sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, phần lớn các hãng đều xác định đây là một canh bạc xứng đáng bởi ai đi trước, người đó có thể định hình lại toàn bộ thị trường xe điện trong thập kỷ tới.
Phát biểu từ đại diện Stellantis cho thấy tầm nhìn rõ ràng: “Pin thể rắn không chỉ giúp tăng phạm vi hoạt động mà còn là chìa khóa để giảm chi phí, cắt lượng phát thải carbon và mở rộng lựa chọn cho nhà sản xuất, từ kích thước đến thiết kế."
Chính Trí
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/cuoc-dua-pin-the-ran-oto-dien-sap-cham-moc-1000-km-post1551570.html