Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng TP Đà Nẵng Võ Tấn Hà khẳng định BIM là công cụ quản trị hiện đại, đóng vai trò hạ tầng số cốt lõi của ngành xây dựng hiện tại và đô thị thông minh trong tương lai. Tuy BIM đã được đưa vào lộ trình triển khai từ năm 2016 theo Đề án 2500 và gần đây là Nghị định 175/2024, song thực tiễn cho thấy việc áp dụng vẫn còn hạn chế: nhiều dự án mới chỉ dừng ở mức mô hình 3D; thiếu kết nối giữa thiết kế - thi công - vận hành; thiếu chính sách khuyến khích và cơ chế chia sẻ rủi ro; đặc biệt, chưa có một thể chế dẫn dắt đồng bộ để biến BIM thành công cụ quản lý hiệu quả.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng Lê Tùng Lâm phát biểu tham luận tại hội thảo
Đà Nẵng từ lâu đã được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về cải cách hành chính, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh. Với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến trình áp dụng BIM theo hướng thực chất, thông minh, hiệu quả đối với tất cả các dự án công-tư, đa dạng các loại hình CTXD (từ CT ngầm đến CT nổi; từ CT dân dụng đến nhà máy và CT hạ tầng kỹ thuật...).
Hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính: tham luận, thảo luận các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế - cơ chế - chính sách; ký kết hợp tác giữa các đơn vị trong đào tạo nhân lực, tư vấn, thi công và sản xuất vật liệu xây dựng ứng dụng BIM.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, ông Võ Tấn Hà gợi mở 5 nhóm chủ đề trọng tâm: Hoàn thiện khung pháp lý - chính sách: Sớm xây dựng Chiến lược quốc gia và Đề án phát triển BIM đến 2035 tại Đà Nẵng, cùng các giải pháp cụ thể về tiêu chuẩn, nhân lực, tài chính; Thiết lập hệ sinh thái dữ liệu - tiêu chuẩn - công cụ: Ban hành tiêu chuẩn BIM phù hợp, chuẩn hóa thư viện BIM Object và hệ thống phân loại dữ liệu xây dựng địa phương; Tổ chức điều phối và quản lý BIM: Xem xét thành lập Trung tâm Điều phối BIM hoặc Văn phòng BIM TP Đà Nẵng; xác định đơn vị kiểm định, cấp chứng chỉ và quản lý tài sản số; Đào tạo và phát triển nhân lực BIM: Kết nối chặt chẽ giữa nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học, xây dựng chương trình đào tạo cho các vị trí như Modeler, Coordinator, Manager; Thí điểm mô hình Sandbox BIM: Lựa chọn một số dự án đầu tư công tiêu biểu để triển khai mô hình thể chế thử nghiệm, từ đó hoàn thiện cơ chế và nhân rộng.
Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
Theo ông Hà, BIM không thể triển khai hiệu quả nếu chỉ dừng ở các hội thảo, mà cần được thể chế hóa thành chính sách, mô hình quản lý và năng lực thực thi cụ thể. Hội thảo kỳ vọng sẽ kiến nghị những giải pháp thiết thực về thể chế - cơ chế - chính sách nhằm thúc đẩy phát triển BIM tại Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng. Dự kiến, kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp thành báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP Đà Nẵng và các đơn vị liên quan.
Các đại biểu đề xuất xây dựng Đề án phát triển BIM TP Đà Nẵng đến năm 2035 với mục tiêu cụ thể, lộ trình rõ ràng, danh mục dự án trọng điểm; thành lập Văn phòng Điều phối BIM thành phố để làm đầu mối hướng dẫn, kiểm soát, đào tạo và kết nối các bên liên quan. Đồng thời, nhấn mạnh phát triển hệ thống CDE và thư viện BIM Object địa phương hóa nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tính liên thông và hỗ trợ mô hình hóa dữ liệu toàn thành phố.
Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng ghi nhận các ý kiến tại hội thảo và cho biết sẽ tổng hợp thành báo cáo chi tiết trình các cơ quan trung ương và địa phương. Ông nhận định đây là bước khởi đầu trong quá trình xây dựng Đề án phát triển BIM tích hợp với các chiến lược về đô thị thông minh, chuyển đổi số và đầu tư công hiệu quả; đồng thời góp phần hình thành mạng lưới chuyên gia BIM địa phương có năng lực tư vấn, kiểm định và đào tạo cho các dự án công - tư.
THANH HOA