Theo báo Guardian, ông Kellogg và cựu chuyên gia phân tích CIA Fred Fleitz hồi tháng 4 đã trình lên ông Trump một tài liệu chính sách do họ là đồng tác giả, trong đó đề xuất chấm dứt xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu bằng cách dừng cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine nếu nước này không tham gia đàm phán hòa bình với Nga, đồng thời cảnh báo Moscow rằng nếu họ từ chối ngồi vào bàn thương lượng với Kiev, sự trợ giúp của Washington cho Ukraine sẽ tăng lên.
Ông Keith Kellogg. Ảnh: Newscom/Alamy
Tài liệu cáo buộc chính sách đối ngoại "thiếu nghiêm túc và không mạch lạc" của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài 3 năm. Ông Kellogg và đồng tác giả báo cáo cũng buộc tội chính quyền Biden đặt "chương trình nghị sự lý tưởng của giới tinh hoa toàn cầu lên trên mối quan hệ hiệu quả với Nga, tạo thành "chính sách thù địch khiến Nga trở thành kẻ thù của Mỹ".
Bộ đôi Kellogg và Fleitz còn lên án các quyết định chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như đe dọa áp trừng phạt "chưa từng có" khi Moscow chuẩn bị phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, "thay vì sử dụng hòa đàm để giảm căng thẳng". "Cách tiếp cận ‘nước Mỹ trên hết’ có thể đã ngăn chặn được xung đột", ông Kellogg và ông Fleitz viết.
Quyết định lựa chọn ông Kellogg làm đặc phái viên về Ukraine và Nga của ông Trump diễn ra trong bối cảnh Washington đang thúc đẩy việc hoàn tất nhiều đợt chuyển giao khí tài hơn cho Kiev trước khi Tổng thống Biden mãn nhiệm.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin Fox, ông Kellogg bày tỏ, việc chính quyền Biden chấp thuận cho Kiev sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga đã mang lại cho ông Trump "nhiều đòn bẩy hơn".
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ lập trường nói trên của ông Kellogg hay không, ông Trump nói với đài NBC: “Tôi là người duy nhất có thể ngăn chặn xung đột. Đáng lẽ, xung đột ngay từ đầu không bao giờ được xảy ra”.
Tuấn Anh