Sáng 29/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Sáng 29/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: QH
Góp ý tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm tới thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp trên đối với các đơn vị hành chính cấp dưới không tổ chức Hội đồng nhân dân (Điều 5a). Theo đó, đại biểu nhất trí bổ sung nhưng ở khoản 1 thay vì giao Quốc hội quy định về “Thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp trên đối với các đơn vị hành chính cấp dưới không tổ chức Hội đồng nhân dân” thì đề nghị quy định ngay tại dự Luật này.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: QH
“Vì đây là Luật cụ thể hóa một trong ba chức năng của Quốc hội, cần hạn chế tối đa việc Quốc hội ban hành thêm những văn bản dưới Luật kiểu như thế này nhằm tránh vòng luẩn quẩn trong giải quyết thẩm quyền…”- đại biểu khẳng định.
Trong khi đó, góp ý kiến về bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, theo đó không sửa đổi nội dung này, vì hiện nay việc giải thích hiến pháp đã rất cụ thể, rõ ràng.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng nêu rất rõ, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc theo đề xuất của Chủ tịch nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan trung ương cần thiết, đề xuất Quốc hội xem xét giải thích pháp luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: QH
Liên quan đến bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tiến hành hoạt động giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu cũng cho rằng, không luật hóa nội dung này. Theo đại biểu: Do đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Dân nguyện tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát là phù hợp. Vì vậy việc đề xuất thêm một cơ quan là không cần thiết.
Còn đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải đảm bảo tính thời sự, đồng bộ trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội. Cụ thể, liên quan đến quy định ở khoản 6 Điều 1 của dự thảo luật sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát (HĐGS) về thời gian xem xét báo cáo của Quốc hội, đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành theo khoản 2 Điều 13 của Luật HĐGS để đảm bảo tính thời sự, đồng bộ trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội.
Đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng, ở cuối kỳ họp, để thông qua các chỉ tiêu, giải pháp, mục tiêu về kinh tế - xã hội của năm sau, chúng ta phải đồng thời xem xét những vấn đề quan trọng về công tác tư pháp, công tác phòng chống tham nhũng, về tình hình tội phạm, về giải quyết kiến nghị của cử tri… Từ đó có số liệu đồng bộ và chúng ta quyết định những vấn đề năm sau của đất nước.
Thu Hường