Đại học Ngoại thương bỏ điểm sàn 24 với hầu hết ngành

Đại học Ngoại thương bỏ điểm sàn 24 với hầu hết ngành
9 giờ trướcBài gốc
Thí sinh tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đến 17 giờ ngày 28-7
Trường Đại học Ngoại thương (FTU) chỉ giữ mức điểm sàn 24/30 như dự kiến với tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), các tổ hợp khác giảm còn 23.
Mức sàn này áp dụng với thí sinh xét học bạ, dùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường cho biết, quyết định này căn cứ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT theo môn và theo tổ hợp.
Với phương thức xét kết hợp giữa điểm thi và chứng chỉ quốc tế, điểm sàn của Trường Đại học Ngoại thương là 15-16,5/20 điểm. Đây là tổng điểm hai môn thi tốt nghiệp, gồm Toán và một trong các môn Văn, Lý, Hóa.
Trường lấy tổ hợp A00 làm gốc để tính điểm xét tuyển. Điểm chuẩn của tổ hợp này cao hơn 1 điểm so với các tổ hợp còn lại, áp dụng với các ngành lấy thang điểm 30.
Với các ngành ngôn ngữ, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, điểm chuẩn tính thang 40, không có sự chênh lệch giữa các tổ hợp.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) lấy điểm sàn theo thang 30 và 40, lần lượt là 18 và 25, tương tự năm ngoái.
Dù đăng ký xét tuyển theo phương thức nào, thí sinh phải đáp ứng yêu cầu chung là đạt điểm trung bình học bạ mỗi năm từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm khá.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, các ngành thuộc nhóm 1 (báo chí và xuất bản), 3 (Lịch sử) và 4 (truyền thông, quảng cáo, quan hệ quốc tế) lấy điểm sàn 25/40, trong đó môn chính nhân hệ số 2.
Còn các ngành thuộc nhóm 2 (khối lý luận) có ngưỡng đầu vào 18/30. Cả hai mức sàn này đều không thay đổi so với năm 2024.
Với phương thức xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ quốc tế (SAT, IELTS), thí sinh phải có điểm trung bình 6 học kỳ môn Văn hoặc Tiếng Anh đạt từ 7 trở lên, tùy ngành hoặc nhóm ngành ứng tuyển.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng công bố bảng quy đổi điểm chuẩn giữa các phương thức.
Ở thang 30, 18-20 điểm thi tốt nghiệp tương đương 21,95-23,58 điểm học bạ, chênh lệch gần 4 điểm. Mức chênh lệch sẽ nhỏ dần khi cả hai phương thức tiệm cận mức tuyệt đối.
Tương tự với thang 40, mức chênh lệch giữa các phương thức cũng khoảng 4 điểm ở mức thấp nhất, nhỏ dần khi gần về 40.
Trong khi đó, theo công bố, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có ngành tăng 4 điểm sàn.
Cụ thể, ngành Khoa học môi trường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) lấy điểm sàn 21- cao nhất năm nay, tăng 4 điểm so với năm ngoái.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy điểm sàn thi tốt nghiệp từ 16 đến 21, là tổng điểm ba môn trong tổ hợp. Xếp sau ngành Khoa học môi trường là ngành Luật, với yêu cầu tối thiểu là 18 điểm.
Các ngành còn lại lấy điểm sàn 16. Đây là mức tối thiểu thí sinh cần đạt để đăng ký xét tuyển vào trường. So với năm ngoái, điểm sàn đa số ngành giảm, mức phổ biến là 2-3 điểm.
Với phương thức xét học bạ, Khoa học môi trường vẫn dẫn đầu với 24 điểm, Luật 21, còn lại 19.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) quy đổi 30 điểm thi tốt nghiệp THPT tương đương 130 điểm thi đánh giá năng lực (HSA) và 85 điểm thi đánh giá tư duy (TSA).
Với điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, trường lấy sàn từ 75/150. Mức này sẽ tương đương 20,25 điểm thi tốt nghiệp. Đạt từ 130 điểm HSA, thí sinh được tính mức tuyệt đối là 30 điểm.
Với điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm sàn 50/100 sẽ bằng 21,35 điểm thi tốt nghiệp. Điểm tuyệt đối 30 bằng 85 điểm TSA.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng công bố thêm bảng quy đổi giữa điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp. Theo đó, 7 điểm học bạ được tương đương 6 điểm thi. Càng lên cao, mức chênh lệch giữa học bạ và điểm thi tốt nghiệp càng nhỏ. Mức cao nhất của hai phương thức vẫn là 10 điểm.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thông báo lấy điểm sàn thi tốt nghiệp từ 18 đến 21 cho 62 ngành và chương trình đào tạo. Bốn ngành lấy điểm sàn 21 là Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. So với năm ngoái, mức sàn của các ngành này đều giảm 1-2 điểm.
Các ngành còn lại chia thành hai nhóm, lấy sàn 18 hoặc 20 điểm; không còn mức sàn 19 như năm ngoái.
Đến nay, nhiều trường đại học, bao gồm trường công lập và tư thục, đã công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn), xu hướng giảm điểm sàn được ghi nhận rõ rệt khi phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm ở một số môn thi.
Mức điểm sàn được các trường công bố dựa theo phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Năm nay, do phổ điểm kỳ thi ở các môn cốt lõi như Toán, Tiếng Anh, Hóa học và Sinh học được đánh giá là thấp hơn, trong khi những môn này đóng vai trò quan trọng trong các tổ hợp xét tuyển của nhiều trường đại học, đặc biệt ở khối ngành kinh tế, kỹ thuật, khiến điểm sàn được điều chỉnh giảm.
Trước đó, sáng 22-7, Bộ GD-ĐT cũng công bố điểm sàn vào ngành y dược giảm tới 2 điểm so với năm 2024.
Điểm sàn xét tuyển là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, tức là mức điểm tối thiểu mà các trường quy định để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, điểm chuẩn trúng tuyển lại được xác định căn cứ vào tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, chương trình. Vì vậy, điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn điểm sàn, tùy thuộc vào số lượng hồ sơ và chất lượng điểm xét tuyển của thí sinh.
Các chuyên gia tuyển sinh khuyến cáo, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng quan trọng nhất. Nếu trúng tuyển ở nguyện vọng cao hơn, các nguyện vọng thấp hơn sẽ tự động bị hủy. Vì vậy, thí sinh nên đặt ngành và trường yêu thích nhất ở vị trí nguyện vọng 1, bất kể cơ hội trúng tuyển cao hay thấp.
Thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học tới 17 giờ ngày 28-7, không giới hạn số lần. Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ 29-7 đến 17 giờ ngày 5-8.
Điểm chuẩn đại học năm 2025 được công bố trước 17 giờ ngày 22-8.
PHAN THẢO
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/dai-hoc-ngoai-thuong-bo-diem-san-24-voi-hau-het-nganh-post804882.html