Ngày 20-7, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác của Trung ương đã đến dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk, nhân dịp 78 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7).
Đại tướng Phan Văn Giang dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: T.T
Cùng ngày, ông Phan Văn Giang đã đến thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh; gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, thân nhân các anh hùng liệt sĩ tại trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk.
Tại buổi gặp mặt, Đại tướng bày tỏ sự xúc động, lòng biết ơn sâu sắc đến các anh hùng, liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng… trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa là truyền thống, là đạo lý của dân tộc ta. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là nỗi đau không thể đong đếm. Tuy nhiên, đó cũng là ngọn lửa thiêng liêng, vĩnh hằng, truyền cảm hứng, ý chí, tinh thần bất khuất của dân tộc ta cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đại tướng Phan Văn Giang thắp hương tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: T.T
Vì vậy, hằng năm, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thường xuyên tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp Lễ, Tết, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày Thương binh, Liệt sĩ...
Đại tướng Phan Văn Giang thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Toàn (93 tuổi), phường Tân Lập, tỉnh Đắk Lắk, có chồng và hai con hy sinh trong kháng chiến. Ảnh: T.T
Đại tướng Phan Văn Giang nói, về với Đắk Lắk hôm nay, ông rất xúc động và ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc, sự thay da đổi thịt từng ngày. Từ một vùng đất chịu nhiều bom đạn, tàn phá của chiến tranh, Đắk Lắk đã vươn lên mạnh mẽ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, kinh tế-xã hội phát triển ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, góp phần củng cố vững chắc vị thế chiến lược quan trọng của vùng Tây Nguyên.
Đại tướng Phan Văn Giang cùng đoàn công tác tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: T.T
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, sau sáp nhập, tỉnh Đắk Lắk vừa có rừng vừa có biển, sẽ có không gian phát triển rộng hơn, tạo đòn bẩy để tỉnh phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên mới.
Ông cũng đánh giá cao và gửi lời cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo chu đáo cho đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách trên địa bàn.
Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị thời gian tới, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ, phụng dưỡng người có công với cách mạng vì đây là trách nhiệm chính trị, mệnh lệnh từ trái tim đối với toàn hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Đại tướng Phan Văn Giang thăm hỏi, động viên một thương binh tại buổi gặp mặt. Ảnh: T.T
“Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu đãi người có công, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời”, ông Giang nói.
Đại tướng Phan Văn Giang nói thêm, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ quốc Phòng sẽ hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk xây dựng một trường nội trú cấp Tiểu học-Trung học cơ sở tại vùng biên giới hoặc xã vùng sâu vùng xa với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỉ đồng.
Nhiều bạn trẻ chụp hình cùng Đại tướng Phan Văn Giang. Ảnh: T.T
Vì vậy, ông đề nghị lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk sớm xúc tiến các phần việc về quy hoạch, tìm quỹ đất để thực hiện dự án.
“Quân đội luôn chủ động đến với dân”
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết quan điểm của quân đội là “chủ động đến với người dân khi họ cần, không phải khi dân yêu cầu mới đến”. Thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo và triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: T.T
Cụ thể, đã huy động trên 2.540 tỉ đồng; trên 380.000 ngày công; trên 60.000 lượt phương tiện để hỗ trợ, xây dựng gần 18.000 căn nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm, nhà dột nát; tu bổ, tôn tạo nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ…
Đồng thời, chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng; đỡ đầu 702 con liệt sĩ; tạo việc làm cho 420 trường hợp là con của thương binh nặng; tặng trên 1.100 số tiết kiệm với tổng số tiền hơn 3.668 tỉ đồng.
Những kết quả trên, khẳng định sự quan tâm, cố gắng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
TIẾN THOẠI