Một vụ tấn công bất thường của đàn ong tại thị trấn Aurillac, miền trung nam nước Pháp, đã khiến 24 người bị thương, trong đó có 3 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo chính quyền tỉnh Cantal, sự việc xảy ra vào sáng ngày 6/7, khi nhiều người đi đường bất ngờ bị đàn ong đốt giữa trung tâm thị trấn.
Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt để sơ cứu và đưa các nạn nhân đến bệnh viện. 3 người bị thương nặng đã được chuyển đến cơ sở y tế địa phương để điều trị khẩn cấp.
Cảnh sát đã lập vành đai an ninh để đảm bảo an toàn cho người dân cho đến khi đàn ong tản đi.
Phát biểu với đài France 3, Thị trưởng Aurillac - ông Pierre Mathonier cho biết đàn ong có thể đã trở nên hung dữ sau khi tổ của chúng bị đe dọa bởi ong bắp cày châu Á - một loài xâm lấn có nguồn gốc từ châu Á và hiện đang lan rộng tại châu Âu, bao gồm cả Pháp và Vương quốc Anh.
Theo ông Mathonier, những tổ ong nói trên được đặt trên sân thượng của một khách sạn tại trung tâm Aurillac cách đây hơn 10 năm. "Người nuôi ong ở khách sạn cho biết họ chưa từng chứng kiến hành vi tấn công như vậy từ đàn ong này. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về việc có nên duy trì tổ ong trong khu vực trung tâm thành phố hay không", ông nói.
"Thật kinh hoàng. Mọi chuyện có thể đã nghiêm trọng hơn rất nhiều", thị trưởng chia sẻ và cho biết thêm các tổ ong sẽ được di dời hoặc tiêu hủy để tránh sự cố tương tự tái diễn.
Theo Viện Y tế và Chất lượng Lâm sàng Quốc gia (NICE) của Anh, mỗi năm có từ 2–9 người tử vong vì sốc phản vệ do bị ong hoặc ong bắp cày đốt. Trong đó, số ca tử vong do ong bắp cày gây ra gấp đôi so với ong mật. Tuy nhiên, chỉ dưới 0,5% dân số gặp phải phản ứng sốc phản vệ nghiêm trọng khi bị ong đốt. "Mọi chuyện đều kết thúc tốt đẹp", ông Mathonier khẳng định, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp kịp thời của các lực lượng cứu hộ.
Các bước xử trí khi bị ong đốt
- Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong một cách nhanh nhất có thể.
- Nhanh chóng lấy vòi chích của ong ra khỏi cơ thể người bị nạn, có thể khều nhẹ hoặc dùng nhíp kẹp. Tuy nhiên, cần tránh việc nặn ép bằng tay vì hành động này có thể khiến nọc độc ngày càng lan rộng.
- Tiếp đó nên giúp người bệnh rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng, nước ấm. Sau đó, bôi dung dịch sát trùng cồn 70 độ lên vết đốt.
- Có thể chườm lạnh lên vết đốt. Đây là cách giúp bệnh nhân giảm đau và giảm sưng hiệu quả.
- Bên cạnh đó, người bệnh phải uống thật nhiều nước. Khi uống nhiều nước, nọc độc của ong sẽ được bài tiết qua nước tiểu, từ đó, giúp nạn nhân giảm nguy cơ suy đa tạng.
- Sau khi tiến hành những bước sơ cứu trên, nạn nhân cần được chăm sóc và theo dõi sát sao.
Đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt khi:
- Bị ong đốt nhiều nốt và ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở các vùng quan trọng như: mặt, đầu, cổ,...
- Xác định loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như: ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày,… thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm.
- Trường hợp người bị ong đốt có các triệu chứng: Đau nhiều, mệt mỏi, thậm chí khó thở, phù mặt, đi tiểu có máu,… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi khám.
Minh Hoa (t/h)