Đánh giá năng lực hành nghề Y: Cần đảm bảo công bằng - minh bạch - chất lượng trong tổ chức kỳ thi

Đánh giá năng lực hành nghề Y: Cần đảm bảo công bằng - minh bạch - chất lượng trong tổ chức kỳ thi
8 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Bước ngoặt hành nghề y từ năm 2027
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) năm 2023, từ năm 2027, Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh với một số chức danh.
Theo lộ trình, bác sĩ là chức danh đầu tiên áp dụng cơ chế thi sát hạch bắt buộc từ ngày 1/1/2027. Các chức danh: y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh sẽ thực hiện từ năm 2028; kỹ thuật viên y tế, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng sẽ thực hiện từ năm 2029.
Để thiết lập một cơ chế kiểm định độc lập, khách quan và chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, Chính phủ đã giao cho Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kỳ thi này. Kỳ thi mang tính bắt buộc, thống nhất toàn quốc và là điều kiện tiên quyết để bác sĩ được hành nghề.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một kỳ thi quốc gia cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, thay thế hoàn toàn phương thức xét duyệt hồ sơ như trước đây.
Việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề bác sĩ là cần thiết để chuẩn hóa chất lượng, nâng cao tay nghề y bác sĩ, đảm bảo an toàn trong khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân. Bởi hiện nay, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, gồm: 66 trường đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu.
Mỗi năm có hơn 10.000 sinh viên y dược ra trường nhưng trên thực tế vẫn có không ít bác sĩ trẻ còn lúng túng giữa lý thuyết và thực hành, thiếu kỹ năng lâm sàng, tạo nên khoảng cách lớn giữa bằng cấp và năng lực thực hành, gây lo ngại cho cả người bệnh lẫn xã hội.
Bên cạnh đó, trong xu thế toàn cầu hóa, việc chuẩn hóa năng lực bác sĩ và các chức danh y tế là yêu cầu cấp thiết để công nhận bằng cấp, chứng chỉ hành nghề giữa các quốc gia, qua đó tạo điều kiện cho nhân lực y tế Việt Nam có thể hành nghề ở nước ngoài và ngược lại.
Tránh biến thành "cuộc sát hạch học vẹt"
Được kỳ vọng sẽ nâng chuẩn ngành y, nhưng để tổ chức kỳ thi này một cách hiệu quả là vấn đề khiến không ít sinh viên, phụ huynh và các chuyên gia quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, cho biết Hội đồng đang khẩn trương xây dựng Bộ công cụ đánh giá năng lực, quy trình đánh giá, phần mềm ngân hàng đề thi, hệ thống tổ chức thi, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên trách cho kỳ thi đầu tiên vào năm 2027.
Bộ Y tế chủ trương ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ quá trình tổ chức thi, từ đăng ký, xây dựng đề, tổ chức thi đến chấm điểm và lưu trữ kết quả. Giai đoạn đầu, kỳ thi sẽ đánh giá lý thuyết thông qua hình thức trắc nghiệm.
Dự kiến sẽ có khoảng 1.500 câu hỏi được biên soạn, sau đó được chọn lọc kỹ lưỡng để xây dựng ngân hàng đề chính thức với quy mô khoảng 900 câu hỏi chất lượng cao. Việc đánh giá kỹ năng lâm sàng sẽ được triển khai trong giai đoạn sau, khi hệ thống thi, cơ sở vật chất và nhân lực tổ chức đã hoàn thiện.
Đánh giá cao mục đích của kỳ thi, TS. Nguyễn Thị Mai, chuyên gia giáo dục y khoa, cho rằng, Bộ Y tế và Hội đồng Y khoa quốc gia cần tính toán để kỳ thi được tổ chức khách quan, chất lượng thực sự chứ không nên nặng về học tủ, học vẹt.
Cần xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa, có phản biện chéo từ nhiều chuyên gia để đảm bảo tính công bằng. Bên cạnh đó, kỳ thi cần có lộ trình chuẩn bị rõ ràng, tránh gây hoang mang cho sinh viên các khóa cận kề.
Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên tiếp cận được chuẩn năng lực cần đạt từ đầu quá trình học tập. TS. Nguyễn Thị Mai đề xuất xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa quốc gia, tổ chức thi theo hình thức OSCE (trắc nghiệm khách quan có cấu trúc), tương tự các quốc gia phát triển đang áp dụng.
"Các trường đại học y dược cần xây dựng chương trình đào tạo bám sát khung năng lực hành nghề của Bộ Y tế. Từ năm thứ nhất, sinh viên đã phải được định hướng học theo năng lực, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, y đức, lâm sàng một cách hệ thống. Việc học sẽ gắn với thi, thi gắn với thực hành, không còn là học cho qua môn như trước đây", TS. Nguyễn Thị Mai chia sẻ.
Đồng tình với việc tổ chức kỳ thi sao cho hiệu quả mà không gây áp lực xã hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng, tổ chức một kỳ thi riêng để sát hạch năng lực với quy mô khoảng 10.000 sinh viên y dược mỗi năm, dưới sự giám sát của Hội đồng Y khoa Quốc gia gồm 37 thành viên là điều khó khả thi.
"Nếu chỉ làm thi trắc nghiệm lý thuyết thì lại không đánh giá đúng bản chất nghề y - vốn đặt trọng tâm vào kỹ năng thực hành. Một giải pháp khả thi và hợp lý hơn là lồng ghép nội dung thi sát hạch hành nghề vào kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa của tất cả các trường đại học, cao đẳng y trên toàn quốc.
Ngân hàng đề chuẩn hóa, hình thức tổ chức thống nhất và có sự giám sát trực tiếp từ Hội đồng Y khoa Quốc gia. Cách làm này tận dụng nguồn lực sẵn có, tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ tiêu cực và đảm bảo công bằng hơn.
Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa sẽ phản ánh rõ nét chất lượng đào tạo và năng lực của từng sinh viên, từ đó sẽ tạo ra cơ chế sàng lọc cần thiết trong bối cảnh các trường đào tạo y khoa đang nở rộ một cách ồ ạt.
Với cách tổ chức như vậy, sinh viên y khoa ra trường sẽ không phải mất thêm một năm không lương để học lấy chứng chỉ thực hành", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phân tích.
Bài, ảnh: Hoàng Nguyên
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/danh-gia-nang-luc-hanh-nghe-y-can-dam-bao-cong-bang-minh-bach-chat-luong-trong-to-chuc-ky-thi-20250721114212159.htm