Đánh thuế nhà thứ hai, dẹp nạn đầu cơ

Đánh thuế nhà thứ hai, dẹp nạn đầu cơ
2 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản gửi Văn phòng Chính phủ. Theo cơ quan này, giá bất động sản, nhà ở thương mại tại một số đô thị tăng cao trong thời gian gần đây, một phần lý do đến từ hiện tượng đầu cơ của các hội, nhóm, cá nhân.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế căn nhà thứ hai, nhà bỏ hoang sẽ giải quyết dứt điểm nạn đầu cơ nhà đất. (Trong ảnh: Khu đất đấu giá tại Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh minh họa: Nguyễn Hùng.
Để hạn chế tình trạng đầu cơ, đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng.
Đồng thời, nghiên cứu đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Trước đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng có đề xuất tương tự.
Thực tế cho thấy, chỉ số giá chung cư trong quý II tại Hà Nội, TP.HCM tăng lần lượt 58% và 27% so với cùng kỳ năm 2019. Phân khúc trung cấp ngày càng khan hiếm và hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán mới năm nay có giá trên 50 triệu đồng mỗi m2. Thậm chí, một số dự án chung cư mới cũng có giá bán lên đến chục nghìn USD mỗi m2.
Không riêng dự án mới, giá chung cư cũ cũng neo cao. Nhiều căn hộ qua sử dụng hàng chục năm vẫn được rao giá gấp 2-3 lần so với lúc mở bán. Phân khúc biệt thự, liền kề hay đất nền vùng ven cũng có dấu hiệu tăng giá, bởi một số nhóm nhà đầu tư tạo cung, cầu giả để trục lợi.
Hiện nay, hệ thống pháp luật chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá. Trong khi đó, tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến sốt đất tại nhiều địa phương.
Nhà đầu cơ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả diễn ra phổ biến, mục đích đều là đẩy giá kiếm lời. Bởi vậy, việc nghiên cứu áp thuế bất động sản là cấp bách để điều tiết thị trường.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần nói rõ, đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai hay thứ ba không phải là cứ ai sở hữu căn nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế nặng, mà ở đây là đánh thuế tài sản nhằm điều tiết hành vi.
Cụ thể, những hành vi nào Nhà nước không khuyến khích thì cần đánh thuế thật nặng, hành vi nào khuyến khích thì lại có chính sách thuế hỗ trợ.
Ví dụ, một người có thể sở hữu đến 10 ngôi nhà và 10 ngôi nhà được đưa vào sử dụng để kinh doanh dịch vụ, phục vụ nhu cầu xã hội, tạo ra công ăn việc làm và đóng thuế cho Nhà nước thì đó là hành vi cần khuyến khích. Nhất là trong bối cảnh những ngôi nhà đó nằm ở khu đô thị, dân cư thiếu trường học, trạm y tế… lại càng cần tạo cơ chế hỗ trợ.
Còn một người sở hữu đến 10 ngôi nhà, sau đó tìm cách "thổi" giá, bán để kiếm lời, tạo ra những hệ lụy cho xã hội, cho thị trường bất động sản thì rõ ràng hành vi ấy không khuyến khích, cần phải xử phạt thật nặng.
Để làm được những việc đó, đầu tiên phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thuế. Bên cạnh đó, cần rà soát, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi; đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất gây nhiễu loạn thị trường...
TS Nguyễn Văn Đính
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/danh-thue-nha-thu-hai-dep-nan-dau-co-192240926223001463.htm