Dấu chân hóa thạch tiết lộ hai loài người cổ đại từng sống cùng nhau

Dấu chân hóa thạch tiết lộ hai loài người cổ đại từng sống cùng nhau
3 giờ trướcBài gốc
Những dấu vết này đã trở thành hóa thạch và được phát hiện tại một bờ hồ giàu tài nguyên gần cửa sông ở khu vực Koobi Fora của Kenya, cung cấp bằng chứng đầu tiên về việc hai loài người cổ đại – Paranthropus boisei và Homo erectus – từng có cùng môi trường sống, thậm chí có thể đã gặp nhau trực tiếp. Phát hiện này mở ra những câu hỏi thú vị về mối quan hệ giữa hai loài và sự cạnh tranh tài nguyên.
Paranthropus boisei, họ hàng xa hơn với người hiện đại, sinh sống từ khoảng 2,3 đến 1,2 triệu năm trước, có chiều cao khoảng 137 cm. Họ sở hữu hộp sọ thích nghi với cơ nhai mạnh mẽ, bao gồm mào sọ giống khỉ đột đực và răng hàm lớn. Bàn chân của Paranthropus boisei có nhiều đặc điểm giống vượn, bao gồm cả ngón chân cái.
Dấu chân hóa thạch được cho là của một cá thể Paranthropus boisei. Đây là một trong 12 dấu chân như vậy được khai quật ở Kenya có niên đại 1,5 triệu năm. Ảnh: Kevin G. Hatala/Đại học Chatham
Ngược lại, Homo erectus, một trong những tổ tiên đầu tiên của loài người hiện đại, xuất hiện từ khoảng 1,89 triệu đến 110.000 năm trước, có chiều cao từ 145 cm đến 185 cm. Họ có đặc điểm nổi bật là lông mày lớn và bộ não lớn hơn Paranthropus boisei, mặc dù vẫn nhỏ hơn so với chúng ta.
Hình ảnh mô phỏng về người Paranthropus boisei.
Những dấu chân hóa thạch này được các nhà nghiên cứu phát hiện vào năm 2021, gần Hồ Turkana, Kenya. Họ tìm thấy một đường mòn dài với 12 dấu chân, mỗi dấu chân dài khoảng 26 cm, có thể là của một cá thể trưởng thành Paranthropus boisei, dựa trên hình dạng và cách di chuyển của chúng.
Ngoài ra, ba dấu chân dài từ 20,5 cm đến 23,5 cm, giống dấu chân của người hiện đại, đã được phát hiện gần đường mòn chính. Hai trong số ba dấu chân này có thể là của một cá thể Homo erectus non. Dấu chân thứ ba thì khó xác định chính xác hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các dấu vết này có thể đã được tạo ra trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, vì bùn chưa bao giờ khô và nứt. Họ cho rằng có khả năng hai loài này đã từng đi qua nhau, nhưng không có bằng chứng cho sự tương tác trực tiếp giữa chúng.
Dấu chân hóa thạch được cho là của một cá thể Homo erectus. Ảnh: Kevin G. Hatala/Đại học Chatham
Theo nhà cổ nhân chủng học Louise Leakey, giám đốc Dự án nghiên cứu Koobi Fora và đồng tác giả nghiên cứu, những dấu chân này giúp ta hình dung lại cảnh tượng cách đây 1,5 triệu năm, khi những tổ tiên khác nhau của loài người có thể đã cùng nhau đi qua vùng nước nông, tham gia vào các hoạt động săn bắn và hái lượm.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện rằng cả hai loài đã tồn tại đồng thời trong một khoảng thời gian dài, khoảng 200.000 năm, trên cùng một khu vực bùn hóa thạch.
Hình ảnh mô phỏng về người Homo erectus.
Nhà cổ nhân học Kevin Hatala, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Hai loài này có thể đã cạnh tranh trực tiếp, nhưng cũng có thể chúng không có sự cạnh tranh rõ rệt và cả hai đều có thể tiếp cận tài nguyên cần thiết từ vùng đất chung".
Chế độ ăn uống có thể là yếu tố làm giảm sự cạnh tranh. Paranthropus boisei ăn thực vật chất lượng thấp, phải nhai lại nhiều lần, trong khi Homo erectus có chế độ ăn uống đa dạng, bao gồm cả thịt, và có khả năng sử dụng công cụ để săn bắn.
Dấu chân hóa thạch cung cấp thông tin quan trọng về giải phẫu, hành vi và môi trường sống, điều mà các hóa thạch xương hoặc công cụ đá không thể mang lại.
Các thành viên của nhóm nghiên cứu đã khai quật bề mặt con đường vào năm 2022. Ảnh: Neil T. Roach/Đại học Harvard
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bàn chân và dáng đi của hai loài này có sự khác biệt rõ rệt. Dấu chân của Homo erectus có vòm cao giống người hiện đại, cho thấy bàn chân cứng và dáng đi gồm cả việc đẩy bằng ngón chân. Trong khi đó, dấu chân của Paranthropus boisei không có vòm cao và có bàn chân phẳng hơn, cùng với ngón chân cái hơi tách rời, linh hoạt hơn, giống với cách đi của tinh tinh.
Paranthropus boisei đã tuyệt chủng vài trăm nghìn năm sau khi những dấu chân này được để lại, trong khi Homo erectus tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có thể là tổ tiên trực tiếp của loài người hiện đại. Homo erectus cũng là loài người đầu tiên di cư ra khỏi châu Phi.
Theo nhà sinh vật học tiến hóa Neil Roach tại Đại học Harvard và đồng tác giả nghiên cứu, việc phát hiện ra dấu chân của hai loài người cổ đại trong cùng một khu vực, nơi có nhiều động vật nguy hiểm như hà mã và cá sấu, cho thấy rằng môi trường sống này rất quan trọng đối với tổ tiên chúng ta, đến mức họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tiếp cận.
Ngọc Ánh (theo Reuters, CNN)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/dau-chan-hoa-thach-tiet-lo-hai-loai-nguoi-co-dai-tung-song-cung-nhau-post323449.html