Từ chiều 19/7 đến nay, mạng xã hội tràn ngập những lời cầu nguyện, mong có phép màu dành cho những nạn nhân mất tích sau vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 (chở 49 người) trên vịnh Hạ Long. Đến chiều 20/4, vẫn còn 4 người mất tích chưa được tìm thấy; 10 người được cứu sống.
Con số 35 người thiệt mạng là tổn thất quá lớn khiến hàng triệu người đau xót. Cư dân mạng theo dõi sát và liên tục chia sẻ các thông tin cập nhật kết quả tìm kiếm cứu nạn, đồng thời bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc đối với những người không may gặp nạn: "Thiên tai không chừa một ai. Xin chia buồn cùng gia đình nạn nhân".
"Chỉ trong vòng 10 phút từ khi trời đẹp đến khi một trận 'hồng thủy' ập đến. Thật xót xa cho nạn nhân và người thân ở lại"; "Đọc những dòng này mình đã khóc rất nhiều. Bản thân cũng từng bị mắc kẹt do bão một lần, may được an toàn. Vô cùng tiếc thương người gặp nạn"...
Lực lượng chức năng cứu nạn tàu Vịnh Xanh 58 bị nạn vào ngày 19/7. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
"Tôi thức mãi để chờ một phép màu, nhưng nó không xảy ra. Thương mọi người quá. Dông lốc trên biển không di chuyển theo lộ trình rõ ràng như bão, mà hình thành tức thời rồi tan nhanh. Đặc biệt, cơn dông chiều qua quá nhanh và kinh khủng, những ai đi trên đường đều biết. Mọi khi cứ ngồi yên trong nhà thì thấy bình thường nhưng hôm qua ra đường mới cảm thấy sợ. Vô cùng đau lòng khi đọc tin các nạn nhân", chủ tài khoản Vạn Hạnh viết.
Nhiều người chia sẻ về trải nghiệm gặp thời tiết xấu khi du lịch biển. Bích Ngọc kể: "10 năm trước tôi dẫn gia đình mướn tàu ra quần đảo Bà Lụa, Kiên Giang chơi. Khi chạy được 20 phút thì bão tới, cả nhà đều khóc lớn vì quá sợ, đặc biệt là các cháu còn nhỏ. May mắn thay, cuối cùng tất cả đều được bình an. Cảm giác bất lực trước thiên tai vô cùng khủng khiếp nên tôi thấu hiểu tình huống của các nạn nhân vụ lật tàu ở Hạ Long. Thiên tai dù được báo trước nhưng đôi khi ập đến quá nhanh".
Quang Huy chia sẻ: "Mình từng đi đảo Quan Lạn, vừa đi vừa cầu trời khấn Phật, quan sát xung quanh phòng tình huống xấu. Mình thấy có áo phao nhưng nhà thuyền không yêu cầu khách mặc áo phao, lỗ hổng này cần các cơ quan chức năng làm thật chặt. Các tàu làm du lịch cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm mới mong có được sự an tâm của khách".
Bên cạnh đó, nhiều cư dân mạng mách nhau cách bảo đảm an toàn khi đi tàu trên biển để các chuyến du lịch được suôn sẻ. "Khách du lịch không thể liên tục nghe dự báo thời tiết khi đi chơi. Vì vậy, du khách đến nơi cần cập nhật thông tin mới nhất từ quản lý bến thuyền và hướng dẫn viên để đảm bảo không ra khơi trong trường hợp có nguy cơ thiên tai", Mai Chi chia sẻ.
Thìn Bùi bình luận: "Mỗi lần lên máy bay hay tàu thủy, mình đều có thói quen xem bản đồ thoát hiểm, xác định lối cứu nạn gần nhất. Chồng mình từng cười vì cho rằng mình suy nghĩ quá nhiều. Nhưng hôm qua, anh ấy im lặng và đồng tình. Đối với ai đó, việc quá cẩn thận như vậy có thể đáng cười hay là hành động lo lắng thái quá, nhưng mình không muốn rủi ro với mạng sống của chính mình và người thân".
Anh Nguyễn viết: "Trên tàu thủy nhỏ hoặc phà, mọi người nên mặc áo phao trong quá trình di chuyển. Còn với các du thuyền lớn thì nên biết rằng áo phao được cất trong phòng hoặc tủ đồ. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần học cách sử dụng áo phao cho mình và cả trẻ em đi cùng, nên thử trước để còn kịp đổi nếu hư hại. Nhận biết âm thanh báo động cũng là kỹ năng giúp sống sót. Âm thanh này khác hẳn tiếng còi tàu các bạn nhé".
Đặng Thảo bình luận: "Trong trường hợp gặp nạn, mọi người cần bình tĩnh, không hoảng loạn và nghe theo sự hướng dẫn của thuyền trưởng. Trước khi đi tàu, các thuyền bắt buộc phải hướng dẫn du khách thoát hiểm, giả định tình huống xấu nhất.
Không phải ai cũng biết bơi, nhưng ít nhất cũng phải biết cách nổi trên mặt nước, thở đều và di chuyển trong nước khi cần thiết. Chúng ta không bao giờ mong tai nạn xảy ra, nhưng khi nó xảy ra, phải chuẩn bị sẵn sàng mới có thể bảo vệ được bản thân và người mình yêu thương".
Hoàng Hà