ĐBQH: Không nên bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong xem xét kết quả giám sát

ĐBQH: Không nên bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong xem xét kết quả giám sát
4 giờ trướcBài gốc
"Đề xuất thêm một cơ quan là không cần thiết"
Góp ý kiến về bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Pháp luật không sửa đổi nội dung này, vì hiện nay việc giải thích hiến pháp đã rất cụ thể, rõ ràng.
Đại biểu nhấn mạnh, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng nêu rất rõ, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc theo đề xuất của Chủ tịch nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan trung ương cần thiết. Do đó, đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét giải thích pháp luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu
Về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tiến hành hoạt động giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, không nên luật hóa nội dung này.
“Đã có quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Dân nguyện tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát là phù hợp nên việc đề xuất thêm một cơ quan là không cần thiết” - đại biểu phân tích.
Về lựa chọn các tiêu chí chuyên đề giám sát và nhóm vấn đề chất vấn, đại biểu cho rằng, các quy định hiện hành đã thực hiện rất tốt rồi, không cần thiết sửa đổi, bổ sung. Về hoạt động của Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội quy định từ 3 đại biểu trở lên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, quy định như dự thảo luật rất khó thực hiện, có thể quy định từ 2 đại biểu trở lên sẽ phù hợp với tình hình thực tế.
Cần lựa chọn chuyên đề giám sát bám sát thực tiễn
Cùng tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) quan tâm đến tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát. Theo địa biểu, các chuyên đề phải bám sát yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, của các địa phương, các vấn đề còn tồn tại lâu dài chưa được quan tâm...
Tại Khoản 36 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 60 của Luật hiện hành đối với các quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, khoản 42 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 69 của dự thảo và tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, khoản 46 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 80 của Luật hiện hành, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét, quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) thảo luận
“Những vấn đề thực tiễn đặt ra đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển vận động của kinh tế xã hội, lựa chọn những xu hướng cần áp dụng tác động tích cực đến chính sách, vấn đề nóng, vấn đề điểm của hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết mà cử tri đặc biệt quan tâm” - đại biểu nói.
Tại Điểm d, khoản 36 của Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 60 quy định “Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về chất vấn nội dung nghị quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật này”. Theo quy định hiện hành, Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về chất vấn. Vấn đề này được hiểu là sau khi chất vấn nếu thấy cần thiết thì Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết hoặc không ban hành nghị quyết. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn khi mà kỳ họp Hội đồng nhân dân chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.
Cũng theo đại biểu, công tác chuẩn bị xây dựng nghị quyết ngay trong kỳ họp sẽ không đảm bảo chất lượng và mất nhiều thời gian…Do đó, cần giữ nguyên như quy định của luật hiện hành. Trường hợp quy định bắt buộc phải ra nghị quyết về chất vấn như dự thảo thì cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng chính sách, lấy ý kiến và khảo sát tại các địa phương.
Huệ Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/dbqh-khong-nen-bo-sung-tham-quyen-cua-quoc-hoi-trong-xem-xet-ket-qua-giam-sat-post596889.antd