Tham gia góp ý, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cơ bản thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Góp ý về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án hóa chất, ĐBQH Võ Mạnh Sơn đề nghị nên cân nhắc điểm d, khoản 2, Điều 11 dự thảo luật quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc phải thực hiện nghĩa vụ: “Áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị theo quy định của pháp luật”, bởi vì:
Theo quy định tại khoản 12, Điều 4 quy định về nguyên tắc hóa học xanh là do Bộ Công Thương ban hành để áp dụng trong thiết kế, quy trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ hóa chất nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng và tạo ra các hóa chất nguy hiểm. Như vậy, có nghĩa Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền ban hành các quy định mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dự án hóa chất. Quy định này cần cân nhắc thêm để phù hợp với nguyên tắc cấp bộ không được ban hành quy định điều kiện đầu tư kinh doanh tại khoản 3, Điều 7 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Bên cạnh đó, quy định mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh này lại áp dụng cho tất cả các dự án hóa chất, chứ không chỉ áp dụng cho các dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện. Do vậy, đề nghị cân nhắc việc quy định áp dụng nguyên tắc này nhằm bảo đảm tính thống nhất với các quy định pháp luật khác.
Vế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (điểm c, khoản 2, Điều 11 dự thảo). Theo đó, để giảm bớt các thủ tục hành chính, khó khăn cho các doanh nghiệp, ĐBQH Võ Mạnh Sơn đề nghị nên nghiên cứu bổ sung một điều khoản trong Luật Hóa chất cho phép doanh nghiệp tích hợp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất vào các văn bản khác như thiết kế phòng cháy chữa cháy, phương án chữa cháy hoặc trong phần về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cùng với đó, cho phép tích hợp hoạt động huấn luyện về an toàn hóa chất trong các hoạt động huấn luyện an toàn khác.
Bởi vì hiện nay có rất nhiều quy định của pháp luật liên quan đến nghĩa vụ lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố và huấn luyện người lao động theo từng lĩnh vực mà doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, như: Luật An toàn, vệ sinh lao động yêu cầu doanh nghiệp phải có kế hoạch, an toàn, vệ sinh lao động (Điều 75), kế hoạch ứng cứu khẩn cấp (Điều 77), và phải huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Điều 14); Luật Phòng cháy chữa cháy quy định doanh nghiệp phải có thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Điều 15), có phương án chữa cháy được cơ quan nhà nước phê duyệt (Điều 31), và người lao động phải được huấn luyện về phòng cháy chữa cháy (Điều 22, Điều 46)...
Trong khi đó, tại Dự thảo Luật Hóa chất, điểm c, khoản 2 Điều 11 của dự thảo yêu cầu chủ đầu tư dự án hóa chất phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (theo Điều 64) hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (theo Điều 66). Điều 60 quy định người lao động phải được huấn luyện an toàn hóa chất. Thêm vào đó, việc lập kế hoạch và biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất sẽ do đơn vị tư vấn được cấp phép thực hiện (Điều 13 và Điều 14). Như vậy, các quy định của dự thảo sẽ khiến doanh nghiệp khó tích hợp các nội dung trùng lặp về hóa chất với nội dung các lĩnh vực môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy so với quy định hiện hành.
Về thời hạn giấy chứng nhận, giấy phép (Khoản 4 Điều 24; Khoản 4 Điều 25). Theo đó thực tiễn cho thấy, đối với hóa chất có điều kiện luôn được kiểm tra, kiểm soát rất nghiêm ngặt để được cấp phép sản xuất và thường xuyên được thanh tra, kiểm tra, giám sát. Do vậy, việc quy định thời hạn 5 năm đối với giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất có điều kiện và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện là quá ngắn, có thể tạo gánh nặng về thủ tục hành chính, gây ảnh hưởng tới phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, đề nghị nên nghiên cứu áp dụng thời hạn 10 năm đối với 2 loại giấy phép: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất có điều kiện và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện để phù hợp với thực tiễn hoạt động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về khoảng cách an toàn (Điều 62), ĐBQH Võ Mạnh Sơn thống nhất cao với quy định về khoảng cách an toàn đối với các công trình hóa chất, quy định này sẽ góp phần bảo đảm an toàn của các công trình hóa chất, an toàn đối với các khu dân cư và các công trình khác theo quy định, tránh tình trạng vi phạm khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của pháp luật sau khi ban hành, phù hợp với thực tiễn, cần cân nhắc đến công trình hóa chất đang tồn tại gần các khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách an toàn như quy định mới.
Về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng việc quy định các “Bộ, cơ quan ngang bộ công bố danh mục hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình” (khoản 2 Điều 56) có thể sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không khả thi vì khó thực hiện trong thực tế do đặc thù của các ngành khác nhau. Đề nghị nghiên cứu nên có quy định về cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin của Bộ Công Thương với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc công bố danh mục hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời xác định rõ nội dung quản lý hóa chất trong sản phẩm chứa hóa chất thuộc chức năng của các bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quốc Hương