Để bộ đội 'thấm, ngấm' pháp luật, kỷ luật

Để bộ đội 'thấm, ngấm' pháp luật, kỷ luật
9 giờ trướcBài gốc
Mưa dầm thấm lâu
Đến Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316), chúng tôi thực sự ấn tượng bởi hệ thống doanh trại được xây dựng chính quy, khang trang, sạch đẹp, hệ thống vườn hoa, cây xanh, cây cảnh được quy hoạch như một công viên. Phía trước phòng truyền thống của đơn vị, Trung úy Vạ Bả Tủa, Chính trị viên Đại đội 6 đang say sưa giới thiệu với các chiến sĩ về một số điều luật, quy định trên mô hình giáo dục pháp luật trực quan.
Một buổi học tập, giáo dục pháp luật của bộ đội Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316).
Đây là mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật được duy trì thực hiện từ 3 năm nay ở đơn vị. Trong lúc nghỉ giải lao, Trung úy Vạ Bả Tủa đã hỏi Binh nhất Phạm Văn Chinh một câu hỏi nhận thức về pháp luật. Chỉ trong giây lát, Chinh đã trả lời chính xác và nhận được tràng pháo tay tán thưởng của các chiến sĩ. Ở chòi ghế đá gần đó, Đại úy Hoàng Anh Thế, Chính trị viên Tiểu đoàn 8 thân mật trò chuyện, truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng mềm cho bộ đội. Nét mặt ai nấy đều tươi vui, chăm chú lắng nghe những câu chuyện từ thực tiễn của đồng chí chính trị viên...
Theo Thượng tá Phạm Hồng Dự, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 316, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của đơn vị được triển khai thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả, với nhiều mô hình, như: “Mỗi ngày một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi nhận thức”, “5 phút lắng đọng”; “Cán bộ, chiến sĩ thực hiện 4 trách nhiệm: Với bản thân, gia đình, đơn vị và đồng chí, đồng đội”. Đơn vị cũng tận dụng triệt để hệ thống truyền thanh nội bộ, băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô và chú trọng sân khấu hóa các câu chuyện kỷ luật để tuyên truyền pháp luật cho bộ đội.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan tư pháp của Quân khu, như: Tòa án, cơ quan điều tra hình sự, viện kiểm sát để tuyên truyền, phổ biến pháp luật hoặc cho bộ đội chứng kiến việc xét xử một số vụ án xảy ra trên địa bàn. Ở cấp phân đội, thông qua sinh hoạt, họp hội đồng quân nhân, ngày chính trị, văn hóa tinh thần và qua “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng huấn luyện, cùng lao động)..., chỉ huy đơn vị cũng linh hoạt kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật cho bộ đội, đặc biệt chú trọng đối tượng chiến sĩ mới, chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ, đi công tác lẻ... với quan điểm “mưa dầm thấm lâu”. Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên luôn làm gương cho bộ đội noi theo.
“Sợi dây” kết nối đơn vị và gia đình
Rút kinh nghiệm từ những năm trước còn xảy ra một số vụ việc vi phạm vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, khi bộ đội về địa phương nghỉ tranh thủ, nghỉ phép, chỉ huy Sư đoàn 316 đã chỉ đạo các đơn vị trước khi cho chiến sĩ về nghỉ phép phải tập trung gặp gỡ, giao nhiệm vụ và yêu cầu từng người viết cam kết không vi phạm pháp luật, quy định của địa phương; không lái ô tô, xe máy khi uống bia, rượu; không tham gia các hoạt động cờ bạc, cá độ dưới mọi hình thức; không sử dụng internet, mạng xã hội làm lộ lọt bí mật quân sự...
Theo đó, cán bộ quản lý trực tiếp phải lấy số điện thoại của đồng chí chỉ huy trưởng ban CHQS xã, của bố mẹ hoặc người thân chiến sĩ để gọi điện thông báo về tình hình tư tưởng, tâm lý và đề nghị gia đình tăng cường quản lý, giáo dục trong quá trình chiến sĩ nghỉ phép tại địa phương; nếu có tình huống bất thường, gia đình phải thông báo ngay cho đơn vị biết để phối hợp giải quyết. Khi chiến sĩ nghỉ được 1/2 phép, cán bộ trung đội hoặc đại đội phải gọi điện hỏi thăm, nắm tình hình chiến sĩ. Khi hết phép, phải có xác nhận của địa phương về việc chấp hành pháp luật, kỷ luật và quy định của địa phương.
Bên cạnh đó, quá trình chiến sĩ công tác tại đơn vị, vào ngày nghỉ cuối tuần, khi người thân, gia đình đến thăm bộ đội, chỉ huy đơn vị tiến hành gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, thông báo tình hình tư tưởng, tâm lý của chiến sĩ để gia đình biết, cùng đơn vị thống nhất phương pháp quản lý, giáo dục. Đơn vị luôn coi gia đình như sợi dây kết nối, cùng quản lý, giáo dục bộ đội.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lâm Dũng Tiến, Phó chính ủy Sư đoàn 316 cho biết: “Công tác quản lý tư tưởng, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Sư đoàn luôn chú trọng thực hành dân chủ, đoàn kết, sâu sát bộ đội và đơn vị cơ sở; tăng cường công tác giáo dục, quản lý bộ đội, phòng ngừa vi phạm pháp luật, kỷ luật từ sớm, từ xa; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh; chống các biểu hiện thành tích, che giấu khuyết điểm...”.
Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/de-bo-doi-tham-ngam-phap-luat-ky-luat-796240