Ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe dự kiến sẽ nâng lên.
Theo dự thảo, ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề phải có kết quả học tập trong cả 3 cấp THPT xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.
Đối với các ngành: Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng; Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng thì kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Ngoài ra, Bộ chia thí sinh thi vào các ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe thành hai nhóm. Điều kiện về học bạ chỉ áp dụng với nhóm không xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Với nhóm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, Bộ sẽ công bố điểm sàn hàng năm. Dự thảo không còn phân chia mức sàn theo phương thức xét tuyển.
Ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe là 2 ngành có tính chất đặc thù. Để nâng chất lượng đầu vào, nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn với 2 nhóm ngành này và được công bố vào khoảng trung tuần tháng 7.
Năm 2023 và 2024, điểm sàn xét tuyển khối ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe giữ ổn định. Cụ thể, ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 18 - 19 điểm cho tổ hợp 3 môn. Riêng ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm. Mức này đã bao gồm điểm ưu tiên.
11 ngành thuộc nhóm sức khỏe lấy điểm sàn tối thiểu 19 - 22,5, cao nhất là Y khoa và Răng hàm mặt.
Trong dự thảo, Bộ GD&ĐT quy định: cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Ban đọc xem dự thảo thông tư TẠI ĐÂY
Nam Du