Đến 2030, Việt Nam phấn đấu kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP

Đến 2030, Việt Nam phấn đấu kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP
3 ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa: VNA
Nghị quyết xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố đột phá quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế - xã hội và ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Nghị quyết khẳng định đây là đột phá quan trọng để đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.
Đặc biệt, nghị quyết nhấn mạnh cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân, bảo đảm sự tham gia đồng bộ, hiệu quả của các tổ chức và cá nhân trong quá trình thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, Nghị quyết đã đặt ra những mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực kinh tế. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số của Việt Nam đạt tối thiểu 30% GDP.
Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.
Mục tiêu hướng đến tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.
Tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Bộ Chính trị cũng nêu nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Cùng đó là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...
M.V
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/den-2030-viet-nam-phan-dau-kinh-te-so-dat-toi-thieu-30-gdp-20241229101830804.htm