Đến với bài thơ hay: Tiếng lòng xúc động

Đến với bài thơ hay: Tiếng lòng xúc động
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: INT.
Nguyễn Đình Ảnh
Trước người thầy dạy tôi hồi lớp Một
Hơn mười năm ngồi trên ghế nhà trường
Bao bè bạn, bao thầy cô làm sao mà nhớ hết
Riêng hình bóng người thầy dạy tôi hồi lớp Một
Khiến lòng tôi day dứt mãi không yên…
Thầy dạy tôi viết chữ “a” đầu tiên
“Khi vòng dẹt viết xong, em nhớ thêm cái móc!”
Tôi di bút theo đường chỉ thầy đã phác
Tay run run nên nét chệch ra ngoài…
Thầy khẽ khàng nắm lấy tay tôi
Dạy tô nét nào sau, nét nào cần viết trước
Và cứ thế dần dần tôi biết đọc
Rồi reo lên khi viết được tên mình!...
Đã qua hơn mười năm ấm cúng dưới mái trường
Lại đã qua hơn mười năm khoác ba lô, cầm súng
Bao đêm suốt hành quân, bao ngày lùng giặc đánh
Bao khổ sướng, buồn vui và kẻ mất, người còn…
Tôi trở về – cứ ngỡ vẫn thanh xuân
Soi vào gương thấy đã hai thứ tóc
Tôi vội đến thăm thầy – ngờ đâu thầy đã khuất
Cỏ mọc lút quanh mồ – xanh quá hóa vô tư!
Tôi đã viết bao thư cho bè bạn gần xa
Sao một chữ thăm thầy, tôi lại chưa kịp viết?
Và bây giờ trước vong linh của người thầy đã khuất
Tôi biết lấy chi để chuộc lỗi cho mình!
Dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Ảnh, hình ảnh người thầy hiện lên thật dịu dàng và gần gũi, gợi nhớ những ký ức đẹp về mái trường, về thời thơ ấu, đặc biệt là nỗi tiếc thương không nguôi khi người thầy ấy đã khuất. Tác phẩm vừa giản dị, vừa sâu sắc, đầy hình ảnh và cảm xúc, khiến người đọc không khỏi bồi hồi, day dứt.
Toàn bộ thi phẩm có thể được chia thành năm đoạn, mỗi đoạn như một lát cắt của cảm xúc, mở ra từng nỗi nhớ, hoài niệm và niềm day dứt của người học trò năm xưa.
Mở đầu là những hồi ức về tuổi thơ, về những bài học đầu tiên. Sau đó, bài thơ chuyển mạch sang những trải nghiệm khắc nghiệt của người lính ngoài chiến trường, rồi kết lại bằng nỗi nuối tiếc khôn nguôi khi trở về thăm thầy thì đã muộn.
Đặc biệt, cấu trúc của bài thơ đã góp phần làm nổi bật cảm xúc của nhân vật trữ tình. Từ những ký ức giản dị, chân thành đến nỗi xót xa, tiếc nuối, mỗi đoạn thơ như một chặng đường, một bước đi trong dòng thời gian. Cảm xúc cũng từ từ chuyển biến, ban đầu là sự hồn nhiên, rồi đến nỗi ám ảnh, day dứt và cuối cùng là sự ăn năn, tiếc nuối đến khôn cùng.
Trong ký ức hoài niệm, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã khéo léo sử dụng hình ảnh cụ thể, gợi hình, làm nổi bật lên những khoảnh khắc đáng nhớ về thầy giáo cũ. Hình ảnh “chữ a đầu tiên” và lời nhắc của thầy, “khi vòng dẹt viết xong, em nhớ thêm cái móc!” là những chi tiết thật sống động, tái hiện cụ thể về người thầy tận tụy, tỉ mỉ, kiên nhẫn hướng dẫn từng nét chữ cho đứa học trò bé nhỏ.
Câu thơ “Tôi di bút theo đường chỉ thầy đã phác/ Tay run run nên nét chệch ra ngoài” là một hình ảnh đẹp, chân thực, cho thấy tình cảm thầy trò thật gần gũi và thiêng liêng.
Những câu chữ không chỉ tạo nên một bức tranh tuổi thơ đầy ấn tượng, mà còn khắc sâu tình cảm lớn lao về người thầy với tấm lòng bao dung, dịu dàng, ân cần với người trò nhỏ.
Đặc biệt, chi tiết “Thầy khẽ khàng nắm lấy tay tôi” là điểm nhấn tinh tế, làm bật lên cảm xúc ấm áp của tấm lòng người thầy. Sự “khẽ khàng” ở đây không chỉ là một hành động vật lý, mà còn là cách thầy nâng niu và tôn trọng sự ngây ngô của trẻ nhỏ.
Chỉ bằng một chi tiết nhỏ, Nguyễn Đình Ảnh đã khắc họa được hình ảnh người thầy hiền từ, nhẫn nại, dạy trò không chỉ bằng kiến thức mà còn bằng cả tình yêu và sự bao dung.
Điểm đặc sắc trong bài thơ là sự đối lập giữa hai khoảng thời gian: Thuở nhỏ lúc còn học ở trường và khi trưởng thành đi lính chiến đấu và hòa bình trở về thăm lại thầy xưa. Thời gian đầu là những ngày tháng cắp sách đến trường, khi mọi thứ đều hồn nhiên, trong sáng.
Hình ảnh “hơn mười năm ngồi trên ghế nhà trường” gợi nhắc quãng đời học trò vui tươi hết mực. Đối lập với đó là khoảng thời gian “hơn mười năm khoác ba lô, cầm súng”, mang đến một mảng màu hoàn toàn khác, khốc liệt, dày đặc những kỷ niệm buồn vui, khổ đau và cả mất mát. Không gian của tuổi thơ gắn với mái trường và người thầy dịu dàng đối lập với không gian của người lính giữa chiến trường khắc nghiệt.
Chi tiết “bao đêm suốt hành quân, bao ngày lùng giặc đánh” cho thấy cuộc sống gian khổ đã rèn luyện người học trò thành một chiến sĩ kiên cường. Tuy nhiên, trái tim người lính ấy vẫn luôn giữ nguyên hình bóng người thầy với những ký ức đẹp đẽ không bao giờ phai nhạt:
“Thầy khẽ khàng năm lấy tay tôi
Dạy tô nét nào sau, nét nào cần viết trước
Và cứ thế dần dần tôi biết đọc
Rồi reo lên khi viết được tên mình!...”
Phần cuối bài thơ, tác giả dùng giọng điệu chân thành, tiếc nuối đến xót xa để bộc lộ sự ăn năn của nhân vật trữ tình. Sau những tháng năm xa quê, khi trở về thì người thầy đã khuất, và hình ảnh “Cỏ mọc lút quanh mồ – xanh quá hóa vô tư!” vừa gợi nỗi cô đơn, vừa làm bật lên cảm giác hẫng hụt và nuối tiếc.
Bài thơ nhấn mạnh vào nhiều chi tiết độc sáng, vì vậy mà gây ấn tượng và day dứt mạnh mẽ với người đọc. Chi tiết “Tôi đã viết bao thư cho bè bạn gần xa/ Sao một chữ thăm thầy, tôi lại chưa kịp viết?” là lời tự trách chân thành, khi mà tình cảm đối với thầy đã không được thể hiện kịp thời. Vì vậy, khổ thơ cuối bài như một tiếng nấc nghẹn, một nỗi đau dồn nén, òa vỡ không làm sao che chắn được:
“Tôi đã viết bao thư cho bè bạn gần xa
Sao một chữ thăm thầy, tôi lại chưa kịp viết?
Và bây giờ trước vong linh của người thầy đã khuất
Tôi biết lấy chi để chuộc lỗi cho mình!”
Nhìn tổng thể về nghệ thuật, ngôn ngữ thơ trong “Trước người thầy dạy tôi hồi lớp Một” của Nguyễn Đình Ảnh thật mộc mạc, gần gũi, không hoa mỹ nhưng chứa đựng cảm xúc chân thành, tha thiết. Tác giả đã sử dụng những ngôn từ quen thuộc, không cần phải cầu kỳ nhưng lại dễ dàng chạm đến trái tim.
Những câu thơ không chỉ làm hiện lên hình ảnh mà còn mang đến cả tâm trạng, để người đọc dễ dàng đồng cảm, thấu hiểu. Các từ ngữ như “day dứt,” “tay run run,” “nắm lấy tay tôi”… đã tạo nên sự gần gũi trong cách diễn đạt, đồng thời làm nổi bật sự hồi tưởng chân thật, sống động, đưa người đọc trở về những ngày tháng đầu đời với cảm xúc xanh non, ngại ngùng và cả lòng biết ơn thầy vô hạn.
“Trước người thầy dạy tôi hồi lớp Một” là bài thơ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về tình thầy trò, về quá khứ và những kỷ niệm ngọt ngào nhưng cũng đầy day dứt, xót xa. Nguyễn Đình Ảnh đã thành công khi tái hiện lại hình ảnh người thầy không chỉ trong ký ức, mà còn trở thành một biểu tượng của lòng biết ơn và sự kính trọng.
Bằng cách sử dụng những hình ảnh gần gũi, sống động và chân thực, bài thơ không chỉ khắc họa chân dung người thầy, mà còn để lại trong lòng người đọc những xúc cảm mãnh liệt về tuổi thơ, về mái trường một thời nhỏ dại. Nhờ đó, tác phẩm có sức nặng về cảm xúc, làm sống lại những giá trị đạo đức tốt đẹp của xã hội, đồng thời nhắc nhở mỗi chúng ta về lòng biết ơn, về tình nghĩa thủy chung đối với những người đã hết lòng dìu dắt mình trên những bước hành trình đầu tiên của cuộc sống.
Lê Thành Văn (Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-tieng-long-xuc-dong-post712163.html