Nguy cơ tiềm ẩn từ thời tiết bất thường
Thời tiết trong mùa mưa bão thường thay đổi đột ngột. Một buổi sáng nắng đẹp có thể nhanh chóng nhường chỗ cho mưa giông, lốc xoáy hoặc áp thấp nhiệt đới chỉ trong vài giờ.
Với các chuyến đi bằng thuyền, sự thay đổi đột ngột này tiềm ẩn nhiều rủi ro, chỉ một cơn gió giật hoặc con sóng lớn cũng đủ khiến phương tiện chao đảo, mất lái, thậm chí lật úp.
Đội tàu du lịch vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng
Những lưu ý quan trọng khi đi thuyền mùa mưa bão
Theo dõi sát tình hình thời tiết
Trước mỗi chuyến đi, hãy kiểm tra dự báo thời tiết từ các nguồn chính thống như Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia hoặc ứng dụng thời tiết uy tín. Đặc biệt chú ý đến cảnh báo mưa giông, áp thấp nhiệt đới, hướng gió và cấp độ sóng. Nếu xuất hiện cảnh báo cấp độ 2 trở lên, tốt nhất nên hoãn chuyến đi hoặc chuyển sang phương tiện khác an toàn hơn.
Ưu tiên các đơn vị tổ chức có uy tín
Không nên sử dụng dịch vụ tự phát hoặc tàu thuyền không có đăng kiểm. Hãy chọn những tour có đơn vị lữ hành chuyên nghiệp, có kinh nghiệm xử lý trong điều kiện thời tiết xấu, phương tiện đảm bảo an toàn và đầy đủ trang bị cứu sinh. Hỏi kỹ về phương án ứng phó khẩn cấp trước khi lên thuyền.
Trang bị an toàn cá nhân đầy đủ
Dù đi thuyền trong vịnh, sông hay vùng biển gần bờ, du khách vẫn cần mặc áo phao đúng quy cách trong suốt hành trình. Nếu đi cùng trẻ em, nên mang theo áo phao riêng phù hợp kích cỡ. Đồng thời hạn chế mang theo hành lý cồng kềnh, giày cao gót hoặc vật dụng có thể gây cản trở trong trường hợp cần di chuyển khẩn cấp.
Không chủ quan dù hành trình ngắn
Nhiều người cho rằng “chỉ đi khoảng 15-30 phút, trong vịnh chứ không ra khơi” nên thường lơ là. Nhưng thực tế cho thấy những tai nạn nguy hiểm lại thường xảy ra trong những chuyến đi ngắn và bị đánh giá là “an toàn”. Cơn giông không cần báo trước, chỉ cần 5 phút mưa gió mạnh cũng đủ gây nguy hiểm.
Không di chuyển về đêm hoặc khi trời có dấu hiệu bất thường
Hãy tránh lên thuyền khi trời âm u, nổi gió hoặc mưa lắc rắc kéo dài. Buổi tối hoặc sáng sớm là thời điểm tầm nhìn bị hạn chế, khả năng cứu hộ kém và việc định hướng cũng trở nên khó khăn hơn. Nếu đã ở trên đảo mà mưa bão bất ngờ xuất hiện, nên chờ thời tiết ổn định thay vì vội vàng quay lại đất liền.
Khi xảy ra tình huống khẩn cấp cần làm gì?
Khi gặp sóng to, gió lớn, du khách cần bám chắc vào tay vịn hoặc vật cố định để tránh va đập, giữ bình tĩnh và tỉnh táo. Sự bình tĩnh là yếu tố then chốt giúp xử lý hiệu quả các tình huống nguy cấp, đặc biệt khi tàu có dấu hiệu chìm dần. Với các tàu lớn, quá trình chìm thường diễn ra chậm, tạo điều kiện để chuẩn bị thoát hiểm.
Trong thời gian đó, hãy tìm ngay áo phao, phao bơi hoặc bất kỳ vật nổi nào như ván gỗ, thùng, can nhựa. Có thể tận dụng các túi nilon lớn, thổi phồng rồi buộc lại thành một thiết bị nổi tạm thời.
Theo khuyến cáo của DAN Boater, khi tàu có nguy cơ chìm, hãy thả xuồng cứu sinh và chuẩn bị sẵn một số vật dụng cần thiết. Khi xuồng chạm mặt nước, từng người lần lượt xuống một cách trật tự, tránh chen lấn, xô đẩy gây lật xuồng. Trong trường hợp không kịp lên xuồng, du khách nên nhảy khỏi tàu nhưng phải chắc chắn đã có vật nổi ôm trước ngực, để khi rơi xuống, cơ thể nằm đè lên vật đó, tránh bị chìm.
Sau khi xuống nước, cần nhanh chóng bơi xuồng ra xa khu vực tàu chìm để tránh bị cuốn vào dòng xoáy. Với tàu khách lớn, lực lượng cứu hộ thường sẽ sớm có mặt, do đó nên ở gần khu vực tai nạn để dễ được phát hiện.
Trong lúc chờ cứu hộ, hãy tập trung ổn định những người đã an toàn và tìm cách hỗ trợ những người còn mắc kẹt. Đồng thời, tìm mọi cách phát tín hiệu cầu cứu để tăng cơ hội sống sót và được giải cứu kịp thời.
Chí Kiên