Di tích Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

Di tích Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
11 giờ trướcBài gốc
Nhà trưng bày tại Di tích Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1960, trước yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã đề ra nhiệm vụ chiến lược cho hai miền Nam - Bắc. Đặc biệt với cách mạng miền Nam, đó là tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Trung ương Đảng về chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện đấu tranh chính trị và quân sự, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 23/01/1961, Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam và chỉ định Ban Chấp hành gồm 08 thành viên do đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) làm Bí thư. Các đồng chí ủy viên gồm: Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm Thái Bường, Võ Văn Kiệt, Trần Lương, Trương Công Thuận. Trung ương Cục miền Nam được giao nhiệm vụ lãnh đạo toàn bộ chiến trường miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Hội nghị Trung ương Cục lần thứ nhất đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là xây dựng các cơ quan chuyên môn giúp cấp ủy đề ra các chủ trương, đường lối, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các chủ trương, chỉ đạo nghiệp vụ cho cấp dưới và đào tạo cán bộ thuộc ngành phụ trách. Các cơ quan chuyên môn gồm: Văn phòng, Ban Tổ chức - Tuyên huấn, Ban Cơ yếu, Ban Hậu cần, Ban An ninh, Ban Quân sự Miền và Ban Kinh tài.
Ban Kinh tài do đồng chí Phạm Văn Xô (bí danh Hai Xô, Hai Già) làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Văn Phi làm Phó ban. Ban Kinh tài có nhiệm vụ xây dựng đường lối và đề ra những biện pháp về kinh tế, tài chính; tổ chức mạng lưới hậu cần, phát triển sản xuất để kịp thời cung cấp cho các lực lượng cách mạng miền Nam; tiếp nhận chi viện của Trung ương...
Căn cứ Trung ương cục miền Nam những năm 1961 - 1962 đóng tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây còn gọi là Chiến khu Đ hay căn cứ Mã Đà, có từ thời kháng chiến chống Pháp, nằm giữa đại ngàn kín đáo và bí mật. Bốn phía căn cứ giáp sông tạo nên ưu thế về mặt quân sự và phản ánh được tầm nhìn chiến lược trong việc chọn địa bàn đứng chân của Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1962, bởi vậy nơi này còn được mệnh danh là “Việt Bắc miền Nam”.
Từ căn cứ này, Trung ương Cục đã xây dựng các cơ quan chuyên môn; đề ra các chủ trương, đường lối; chỉ đạo và lãnh đạo nhân dân miền Nam trường kỳ kháng chiến giành được nhiều chiến công vang dội…
Riêng lĩnh vực tài chính, sự hoạt động hiệu quả của Ban Kinh tài đã khiến địch rất nể phục, gọi đồng chí Phạm Văn Xô bằng cái tên: “Ông trùm kinh tài Việt Cộng”, đồng thời treo giải thưởng với số tiền lớn để tiêu diệt các cán bộ chủ chốt hoặc phá hệ thống hoạt động của Ban Kinh tài nhưng bất thành. Những chiến công trên mặt trận tài chính thời kỳ này góp phần quan trọng vào thắng lợi quân sự, chính trị, tô đẹp thêm những trang sử oai hùng của quân, dân miền Nam.
Đài tưởng niệm tại Di tích Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1962, địch tăng cường đánh phá và bao vây cấm vận. Nhằm đảm bảo an toàn cho căn cứ, theo chỉ đạo của Trung ương, Trung ương Cục miền Nam được chuyển từ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai về huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để tiếp tục hoạt động.
... Ngày 19/1/2001, địa điểm căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 02/2001/QĐ-BVHTT. Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam tọa lạc tại Phân trường 4, Lâm trường Vĩnh An, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Năm 2004, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam với các hạng mục: nhà bia, nhà trưng bày, đền tưởng niệm... nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, xem như nơi đây là địa chỉ đỏ nhằm giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Hiện nay, di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, trong đó có Ban Kinh tài Trung ương Cục trở thành nơi tham quan, nghiên cứu và du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm. Đặc biệt, đây cũng là nơi giáo dục truyền thống ý nghĩa cho các thế hệ cán bộ, công chức các cơ quan tài chính tỉnh Đồng Nai và cả nước về lịch sử vẻ vang của lớp cán bộ kinh tài thời chống Mỹ.
Theo Đức Trung/Sách "Các lịch sử ngành Tài chính" (Nhà xuất bản Tài chính)
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/di-tich-ban-kinh-tai-trung-uong-cuc-mien-nam-tai-huyen-vinh-cuu-tinh-dong-nai.html