Nhà tù Phú Lợi nay trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ
“Bằng chứng thép”
Trong suốt 8 năm tồn tại (1957- 1964), Nhà tù Phú Lợi có cái tên mỹ miều là “Trung tâm Cải huấn Phú Lợi”, “An trí viện”, nhưng nó được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với đủ thứ cực hình tàn khốc nhằm lung lạc ý chí của những người cộng sản. Chúng cho những tù nhân ăn uống kham khổ với gạo mục cá ươn, nước mắm có dòi... Toàn bộ tù nhân đều phải sống trong một không gian tối tăm, bẩn thỉu, nằm xà lim, chuồng cọp, không được điều trị khi bị bệnh…
Nói về Di tích Nhà tù Phú Lợi, bà Lê Thị Việt Lan, Trưởng ban Liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, cho biết Nhà tù Phú Lợi là “bằng chứng thép” chứng minh tội ác của Mỹ - Ngụy tại miền Nam Việt Nam. Mỗi một chứng tích ở Nhà tù Phú Lợi đều thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước.
Trong điều kiện mới của chiến tranh diễn ra, đến năm 1964, Nhà tù Phú Lợi không còn nữa. Từ đó, hệ thống trại giam chuyển thành Tiểu khu quân sự Mỹ - ngụy cho đến Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975.
…Trong một ngày - mồng một tháng mười hai/ Nào ai ngờ không có nữa ngày mai!/ Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc/ Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc/ Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn/ Trái tim hồng chết uất máu bầm đen…”. Đây là 6 câu thơ được trích trong bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”, được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1959. Nhắc đến Nhà tù Phú Lợi là nhắc đến vụ thảm sát tù nhân tại Nhà tù Phú Lợi vào ngày 1-12-1958. Vụ thảm sát khiến hàng trăm tù nhân bị ngộ độc, nhiều người chết, nhiều người hôn mê bất tỉnh. Đến ngày 2 và 3-12-1958, số bệnh nhân nặng và chết càng nhiều. Một số người bị vùi tại chỗ, số người nhiễm độc nặng bị chuyển đi nhưng không bao giờ thấy trở lại nữa…
“Địa chỉ đỏ”
Nhà tù Phú Lợi khắc nghiệt năm xưa giờ đã trở thành Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia (được xếp hạng ngày 10-7-1980). Hàng năm, khu di tích này đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nhiều trường học, cơ quan, đơn vị đã tổ chức các chuyến du khảo về nguồn, lễ trưởng thành Đoàn, sinh hoạt chi bộ… và nhiều hoạt động khác tại di tích.
Em Nguyễn Hoàng Lan, sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Đi tham qua Nhà tù Phú Lợi, chúng em cảm thấy rợn người trước chế độ giam cầm vô cùng khắc nghiệt của nhà tù. Người tù nhân chân bị cùm, lưng không ngồi thẳng vì trên đầu có giăng kẽm gai, ăn uống kham khổ…, qua đó mới thấy sự kiên trung, bất khuất của thế hệ cha ông đi trước. Để chúng em có được hòa bình, được môi trường học tập như hôm nay, cha ông đã đánh đổi bằng xương, bằng máu…”.
Trung tá Vương Trung Tiến, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP.Thủ Dầu Một, cho biết Nhà tù Phú Lợi chính là một trong những điểm đến của Ban CHQS TP.Thủ Dầu Một trong thực hiện mô hình “Mỗi tháng một địa danh lịch sử”. Thông qua những di tích này, Ban CHQS thành phố muốn tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về cội nguồn, lịch sử dân tộc, thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước và giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố, góp phần tô thắm, làm sáng đẹp thêm truyền thống yêu nước, yêu quê hương Bình Dương nói chung và TP.Thủ Dầu Một anh hùng nói riêng.
66 năm trôi qua nhưng Nhà tù Phú Lợi và Ngày Phú Lợi căm thù (1-12- 1958), luôn nhắc nhở thế hệ đời sau rằng: Để giành lại được độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay, thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng biết bao đau đớn, mất mát, hy sinh, xương máu...
THU THẢO