Đĩa than trong nền công nghiệp âm nhạc

Đĩa than trong nền công nghiệp âm nhạc
8 giờ trướcBài gốc
Năm 1877, Thomas A. Edison đã nghiên cứu và chế tạo ra một thiết bị ghi lại được những thông điệp điện tín thông qua các vết lõm trên băng giấy để có thể tiếp tục gửi đi nhiều lần khi cần. Đây là ý tưởng để sau này phát minh đĩa than ra đời giúp ích rất nhiều cho nền công nghiệp âm nhạc.
Bắt chước tai con người
Lấy cảm hứng từ khái niệm về tai người, Edison đã phát triển một thiết bị sử dụng màng rung và bút kim loại để thu sóng âm thanh lên một hình trụ có phủ một vật liệu đặc biệt và quay được. Màng rung có điểm dập nổi trên giấy sáp (parafin) chuyển động nhanh để chuyển những rung động khi nói tạo ra các vết lõm trên tờ giấy.
Một trong những đĩa than đầu tiên của Việt Nam - Chiếc khăn rơi của Doãn Nho, do ca sĩ Trần Chất và nghệ sĩ accordéon Huy Luân trình bày. Ảnh: Nguyễn Bách
Về sau, Edison đã thay thế tờ giấy thành lá thiếc quấn quanh ống trụ kim loại. Thiết bị này gồm hai bộ phận đều có màng và kim, một bộ phận để ghi và một bộ để phát lại. Khi nói vào ống ngậm, rung động âm thanh sẽ được kim ghi âm ghi vào ống trụ. Khi cần tái tạo âm thanh, người ta dùng chiếc kim đó để đọc lại từ ống kim loại đã ghi. Rung động cơ học ở đầu kim được truyền qua hệ thống khuếch đại cơ học để tăng biên độ rồi gửi trở lại âm thanh ra loa.
Máy ghi âm đầu tiên của nhân loại đã ra đời dựa trên cơ sở sóng âm truyền qua bộ chuyển đổi để tạo ra âm thanh: Máy ghi - phát âm thanh dùng ống trụ (cylinder phonograph).
Việc phát minh ra thiết bị này là một bước ngoặt trong lịch sử âm nhạc và công nghệ âm thanh. Với khả năng ghi và phát lại âm thanh, máy ghi - phát âm thanh dùng ống trụ đã cách mạng hóa cách con người trải nghiệm âm nhạc. Nó tạo tiền đề cho các thiết bị hiện đại như máy ghi băng từ (băng cối, băng magnet), cassette, đầu đĩa CD, nhạc MP3…
Tuy nhiên, thiết bị này dẫn đến hai vấn đề không giải quyết được. Trước hết, chiều dài của ống trụ có giới hạn nên thường chỉ đủ để ghi lại đoạn âm thanh dài trên dưới 2 phút. Thứ hai là chưa có cách sao chép ống trụ để có được nhiều ống mang nội dung ghi âm giống nhau cho nhu cầu phổ biến ra công chúng nên bản thu âm chỉ có một sản phẩm duy nhất. Người ta đã ngừng sản xuất máy cylinder phonograph từ thập niên 1910.
Các nhà phát minh như Edison, Jonas Aylsworth, Emile Berliner đã tìm cách giải quyết vấn đề này bằng việc đổi ống trụ thành một loại đĩa phẳng, ghi được lâu hơn, dễ lưu trữ hơn và tái tạo âm thanh với độ trung thực cao hơn, nhưng quan trọng hơn là có thể sản xuất đĩa hàng loạt. Nhiều thập niên sau, KS. Peter Goldmark đã phát minh ra loại đĩa ghi chất lượng cao hơn bằng nhựa vinyl, có thể phát lâu hơn, bền hơn. Khái niệm đĩa LP (long play) ra đời từ đó.
Mộc, mượt và tinh tế
Từ ban đầu, đĩa LP được làm bằng nhựa polyvinyl chloride và thường có màu đen bóng. Thậm chí nhãn ghi được ép trên đĩa cũng có màu đen hoặc sậm và cho đến năm 1923, người ta mới dùng loại nhãn trắng hoặc màu nhạt. Có lẽ vì vậy mà tại Việt Nam, tên gọi “đĩa than” phổ biến nhiều hơn tên gọi “đĩa LP” hay “đĩa nhựa”. Đĩa than đã trở thành một sản phẩm đồng bộ việc ghi âm theo từng rãnh với độ dập nổi khác nhau và lưu trữ để phát lại tín hiệu âm thanh sau đó. Cách phân loại đĩa than theo tốc độ vòng quay là thường gặp nhất với 16⅔, 33⅓, 45, 78 vòng/phút.
Đĩa nhựa vinyl đen có nhãn màu sậm với kích thước lớn nhất trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Hảo. Ảnh: Nguyễn Bách
Cho tới tận cuối của thế kỷ XX, đĩa than đã trở thành phương tiện lưu trữ âm thanh chủ yếu, thay thế cho lưu trữ âm thanh dạng ống kể từ những năm 1920. Đến thập niên 1980, lưu trữ kỹ thuật số, đặc biệt với sự ra đời của CD, chiếm ưu thế trên thị trường, và đĩa than bớt xuất hiện hơn. Dù vậy, nó vẫn được sản xuất đều đặn trong đầu thế kỷ XXI. Người ta ghi nhận được có đến 3,5 triệu đĩa than đã được tiêu thụ tại Mỹ, trong đó bao gồm 3,2 triệu album vào năm 2009 chứng tỏ đĩa than vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Sau hơn một thế kỷ từ khi con người phát minh ra cách ghi - phát lại âm thanh, ngày nay vẫn có xu hướng quay lại trải nghiệm chất lượng âm thanh độc đáo của đĩa than: mộc, mượt mà và tinh tế.
Bí mật của Chiếc khăn piêu
Nhiều người từng nghe bài hát Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác dựa trên chất liệu dân ca dân tộc Xá (bài Tăng A Tim), qua giọng hát của nhiều ca sĩ. Bài hát ban đầu được lấy tên là Chiếc khăn rơi được Doãn Nho sáng tác khi mới 24 tuổi, trong không khí hòa bình sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Lúc đó, Chiếc khăn rơi ra đời như một bản tình ca đầu tiên của thời bình nên nó nhanh chóng lan tỏa và được công chúng đón nhận nhiệt thành. Nhiều tài liệu đã ghi lại rằng, người đầu tiên thể hiện ca khúc này là ca sĩ Trần Chất, cùng với phần đệm đàn accordéon của nghệ sĩ Huy Luân, tạo một dấu son trong lòng công chúng. Nhưng ít ai thấy được “chứng tích” này. Trong lần đến thăm nhà nghiên cứu, KS. Nguyễn Thanh Hảo tại Sài Gòn, chúng tôi may mắn tìm được trong bộ sưu tập đĩa than hết sức phong phú, đa dạng của ông một đĩa nhựa ghi âm đầu tiên bài Chiếc khăn rơi. Đĩa nhựa thuộc loại đĩa than thời kỳ đầu, chỉ có khoảng trên dưới 2 phút cho một mặt đĩa. Nhà xuất bản Đĩa hát Việt Nam phát hành đĩa này cách đây gần 70 năm.
TS-Nhạc trưởng Nguyễn Bách
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/dia-than-trong-nen-cong-nghiep-am-nhac-314853.html