Điện Biên: Mở rộng và phát triển gần 2.200 ha cây dược liệu có giá trị kinh tế cao

Điện Biên: Mở rộng và phát triển gần 2.200 ha cây dược liệu có giá trị kinh tế cao
2 giờ trướcBài gốc
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Điện Biên có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu. Nhận rõ giá trị của các loại cây dược liệu, người dân một số địa phương đã tìm mua giống, ươm trồng vài loại dược liệu có giá trị kinh tế cao. Song để đánh thức tiềm năng cây dược liệu trở thành cây xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân cần thêm cơ chế, nguồn lực đầu tư, tạo liên kết giữa người trồng, chế biến với tiêu thụ.
Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Trong đó, diện tích cây dược liệu chủ yếu tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ và Mường Chà… với các loại cây chính như: quế, sa nhân, thảo quả, sơn tra, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu…
Người dân chăm sóc cây sa nhân dưới tán rừng.
Thực hiện Ðề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu phát triển vùng trồng cây dược liệu có quy mô, diện tích đạt gần 4.000ha.
Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển các loại cây dược liệu; khuyến khích hình thức liên kết sản xuất doanh nghiệp với người dân thông qua cầu nối là các hợp tác xã. Đồng thời, chú trọng mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu, để thúc đẩy sản xuất dược liệu hàng hóa.
Cây dược liệu đã được trồng tại một số huyện, gồm: Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ. Cây sơn tra, sa nhân, thảo quả, quế... đã được trồng phổ biến ở Tuần Giáo, đặc biệt khu vực nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ lại phù hợp trồng các loại sâm.
Tại một số bản của xã Tênh Phông nơi có độ cao 1.200m so với mực nước biển, người dân đã đưa vào trồng thí điểm cây sâm có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và cả sâm Hàn Quốc. Sau vài năm ươm giống, trồng, chăm sóc, cây sâm phát triển khá tốt, thể hiện sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Vườn ươm giống cây sâm tại bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo.
Ngoài cây sâm, huyện Tuần Giáo phát triển cây sơn tra, thảo quả, sa nhân, quế... đã được người dân chăm sóc, gắn bó từ lâu. Sa nhân và sơn tra là loại cây dược liệu trồng dưới tán rừng, giúp nhiều hộ vùng cao ở Tỏa Tình, Tênh Phông của huyện Tuần Giáo có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Cây sơn tra thu hoạch quả ngoài việc bán cho tư thương đã có hợp tác xã thu mua, chế biến ngâm quả với mật ong, rượu để quảng bá và tiêu thụ ở nhiều nơi.
Thung lũng Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà mằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, phù hợp để trồng cây dược liệu và các loại sâm. Khai thác lợi thế của Thèn Pả, Hợp tác xã 7/5 đã thử nghiệm trồng hơn 2ha cây dược liệu, chủ yếu là cây sâm.
Các loại sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, đẳng sâm, cát sâm sau thời gian ươm trồng phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Từ mô hình thử nghiệm cho hiệu quả có thể nhân rộng thành vùng nguyên liệu cây dược liệu, cung cấp, chế biến theo hướng tập trung, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Khai thác tiềm năng phát triển dược liệu, toàn tỉnh đã trồng gần 2.200ha cây dược liệu các loại, tập trung là quế, sa nhân, sơn tra, thảo quả, sả và vài năm gần đây là một số loại sâm. Trong đó, quế hơn 1.000ha, sa nhân 850ha, sơn tra khoảng 210ha, thảo quả gần 100ha… Theo định hướng phát triển đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ mở rộng diện tích, phát triển gần 4.000ha cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.
N.K
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/dien-bien-mo-rong-va-phat-trien-gan-2200-ha-cay-duoc-lieu-co-gia-tri-kinh-te-cao-169241124165148475.htm