Chùa Tổ đình Bác Ái nằm yên bình giữa lòng phố phường Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Ngọc Chí)
Chùa Tổ đình Bác Ái tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi, phường Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa được xây dựng vào năm Bảo Đại thứ 8 (tức năm 1933) nằm trên một khu đất cao, mặt chùa quay về hướng Nam, theo lối kiến trúc Huế, hình chữ Môn, gồm có Chánh điện, Đông Lang, Tây Lang và cổng tam quan.
Đây là công trình kiến trúc phật giáo đầu tiên ở tỉnh Kon Tum (cũ) nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Quản đạo Võ Chuẩn là người có công lớn trong việc thành lập chùa và tâu thỉnh nhà Vua sắc tứ nhiều hiện vật có giá trị.
Chùa Tổ đình Bác Ái được xây dựng vào năm Bảo Đại thứ 8 (tức năm 1933) và giữ được nét cổ kính đến ngày hôm nay. Ảnh: Ngọc Chí
Đại đức Thích Đồng Tri, Trụ trì chùa Tổ đình Bác Ái cho biết, những năm đầu thế kỷ 20, khi chính quyền bảo hộ thực dân Pháp tăng sưu thuế, làm cho dân tình càng thêm đói khổ, nhân dân tha phương cầu thực và có người lên đây để sinh sống. Nhưng vì là vùng rừng thiêng nước độc, nhiều người phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.
Chùa Tổ đình Bác Ái ra đời với mong ước có một ngôi chùa để làm nơi nương tựa về mặt tâm linh, làm dịu bớt những đau khổ trong tâm hồn của những người con xa quê hương và cũng là nơi tế độ, thờ tự, tưởng nhớ những người đã mất.
Câu đối ở Chùa Tổ đình Bác Ái vẫn còn in dấu chiến tranh với nhiều vết đạn. (Ảnh: Ngọc Chí)
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Tổ đình Bác Ái hiện còn giữ lại những hiện vật có giá trị lịch sử của triều Nguyễn, gồm: Những mộc bản kinh bằng chữ Hán và lưỡng tự Hán - Việt; những tấm liễn đối, hoành phi bằng chữ Hán được chạm khắc công phu trên những tấm gỗ, cột gỗ có giá trị trên hàng trăm năm; nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ; mỹ thuật tạo tượng bằng đất nung của người Việt xưa.
Đặc biệt, chùa Tổ đình Bác Ái đang lưu giữ Chuông U Minh được đúc vào năm 1826. Chiếc Chuông U Minh này trải qua bao thăng trầm, lưu lạc nhiều nơi và đến năm 2023 mới được đưa trở về chùa.
Ngói vảy và bức tranh vẽ Phật được lưu giữ từ ngày xây dựng chùa đến nay, tạo nên nét trang nghiêm và cổ kính cho Chùa. Ảnh: Ngọc Chí
Theo Đại đức Thích Đồng Tri, Chuông U Minh được đúc vào tháng 8 năm Minh Mạng thứ 7 (tức năm 1826), nặng 106 cân, bằng đồng, đường kính miệng ngang 45 cm, cao 74 cm, xung quanh thân gần vành miệng chuông có 4 núm tròn, tượng trưng cho 4 mùa xuân - hạ - thu - đông.
Đỉnh chuông hình lưỡng long, 2 đầu quay ra 2 bên, có 4 chân, cao 20 cm, ngang 30 cm. Thân chuông trơn, không có hoa văn, đắp nổi những đường gân ở 2 bên và xung quanh, ở giữa khắc minh văn bằng chữ Hán.
Chùa Tổ đình Bác Ái là nơi đã hướng dẫn biết bao thế hệ con người với lối sống đạo đức, biết yêu thương chia sẻ. (Ảnh: Ngọc Chí)
Sau đại lễ khánh thành chùa Tổ đình Bác Ái, ngày 3/10/1933, vua Bảo Đại ban tặng chùa chiếc Chuông U Minh. Lễ đón Chuông U Minh và Bửu Tán vào chùa được tổ chức ngày 17/11/1933. Chuông U Minh được treo trên Cổ lầu của cổng tam quan, ngày đêm tiếng chuông vang vọng, ngân nga.
Đại đức Thích Đồng Tri cho biết, chiếc Chuông U Minh được đúc vào tháng 8 năm Minh Mạng thứ 7 (tức năm 1826). Ảnh: Ngọc Chí
Dịp Tết Mậu Thân 1968, diễn ra cuộc giao tranh ác liệt, pháo kích bắn sập cổng tam quan, đạn pháo đâm thủng 2 lỗ trên thân Chuông U Minh, không thể sử dụng được.
Sau đó, ngài Thích An Chánh - Trụ trì chùa Bác Ái đã mời thợ từ Huế lên đúc lại 1 chiếc chuông mới, thay thế Chuông U Minh đã bị hư.
Năm 1970, chùa Phật Quang được xây dựng tại thôn Phương Quý, xã Ngọc Bay. Vì điều kiện còn khó khăn, ngài Thích An Chánh đã lấy Chuông U Minh sửa lại dùng tạm. Năm 1991, thầy Thích Chánh Quang đã tặng quả chuông này vào Linh Quang Tịnh Xá ở TPHCM.
Đại đức Thích Đồng Tri giới thiệu hoành phi bằng chữ Hán được chạm khắc công phu trên những tấm gỗ và được lưu giữ tại chùa hơn 90 năm. Ảnh: Ngọc Chí
Đại đức Thích Đồng Tri cho biết, năm 2009, Đại đức có dịp vào thăm Linh Quang Tịnh Xá, TPHCM. Tại đây Chuông U Minh được Thượng tọa Thích Từ Giang cất giữ rất cẩn thận, đặt trong phòng trưng bày cổ vật của Tịnh Xá. Sau đó, Thượng tọa Thích Từ Giang đã hoan hỷ trao tặng lại Chuông U Minh và ngày 26/6/2023, Đại đức Thích Đồng Tri đã cung thỉnh Chuông U Minh về lại Chùa Tổ đình Bác Ái.
Không gian chính điện của chùa Tổ đình Bác Ái. Ảnh: Ngọc Chí
“Đây là cổ vật gần 200 năm tuổi, có giá trị rất đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa. Chùa đã lập hồ sơ và gửi các cơ quan chức năng xem xét công nhận Chuông U Minh là bảo vật quốc gia trong thời gian tới”, Đại đức Thích Đồng Tri chia sẻ.
Ngọc Chí