Triển lãm giới thiệu những tác phẩm mang phong cách độc đáo của “nghệ thuật đảo ngược” - trường phái do họa sĩ Nguyễn Đại Giang phát triển từ năm 1990, sau khi ông đặt chân đến Mỹ.
Không bó mình trong lối vẽ hiện thực thông thường, ông sáng tạo nên những hình ảnh lộn ngược, mời gọi người xem bước vào một thế giới thị giác mới lạ. Tại đó, mỗi tác phẩm trở thành một thách thức, buộc người thưởng lãm phải thay đổi góc nhìn để chạm tới những thông điệp sâu sắc ẩn giấu bên trong.
Tiết lộ về trường phái Upsidedownism của họa sĩ Nguyễn Đại Giang từng được báo chí nước Mỹ dự đoán sẽ “đánh đổ nghệ thuật phương Tây”.
“Tôi không có tham vọng đánh đổ nghệ thuật của phương Tây, chúng tôi chỉ mang hội họa của Việt Nam đóng góp vào nghệ thuật của thế giới. Tình yêu của tôi với trường phái đảo ngược xuất phát từ cuộc sống. Đây là trường phái đưa ra quan điểm chấp nhận những cái có lý và vô lý giữa đời thường. Cảm hứng vẽ tranh đảo ngược của tôi được thừa kế từ chính những gì mà ông cha ta để lại”, họa sĩ Nguyễn Đại Giang chia sẻ.
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang (bên phải) và họa sĩ Tuấn Định (bên trái). Ảnh: Sơn Trà
Đối với họa sĩ Nguyễn Đại Giang, vẽ tranh đảo ngược không chỉ là phản chiếu hiện thực mà còn là sự khám phá tư duy nghệ thuật mang tính triết học sâu sắc. Từng tác phẩm của ông mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Hóc Môn - Sài Gòn, Hút điếu cày, Thiếu nữ... Ngoài ra, những văn nghệ sĩ từng là bạn của ông một thời như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Duy, Trần Tiến, Chu Lai cũng được thể hiện trong những góc nhìn mới mẻ và đầy ẩn ý.
So với các buổi triển lãm trước, họa sĩ Nguyễn Đại Giang kết hợp cùng học trò Tuấn Định (Dinh Lee) nhằm tạo ra một không gian nghệ thuật mới mẻ, giao thoa giữa hai thế hệ nghệ sĩ qua gần 40 tác phẩm.
Với phong cách sáng tạo riêng và kỹ thuật hiện đại, Dinh Lee đã làm sống dậy nghệ thuật đảo ngược khi kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại nhằm mang đến những tác phẩm vừa sâu sắc, vừa đầy tính thẩm mỹ. Một số tác phẩm tiêu biểu của anh được trưng bày tại triển lãm: Mục đồng, Phố hoa, Lên chùa, Đấu vật, Xuân thì, Giàn bầu của mẹ, Vũ khúc hoan ca, Con không phải siêu nhân...
Nhiều khách thưởng lãm đến chúc mừng hai thầy trò. Ảnh: Sơn Trà
Họa sĩ Tuấn Định cho biết: “Mỗi họa sĩ đều khao khát một lối đi riêng, phản ánh đúng phong cách và tư duy độc đáo của mình. May mắn tôi tìm đúng trường phái nghệ thuật và học tập được tư tưởng của thầy Nguyễn Đại Giang. Vì thuộc hai thế hệ nên góc nhìn của tôi và thầy có đôi chút khác biệt: thầy Giang mang chiều sâu văn hóa, còn tôi tận dụng sức trẻ và hơi thở đương thời để thổi hồn vào tác phẩm”.
Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Sơn Trà
Trao đổi với VietNamNet, họa sĩ Tuấn Định ví các trường phái hội họa tựa như những mỏ vàng quý giá nhưng đã vơi cạn. Chính trăn trở này thôi thúc người nghệ sĩ lên đường tìm kiếm chân trời cảm hứng mới. Trong một lần tình cờ chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh, anh ấn tượng với các tác phẩm đảo ngược của họa sĩ Nguyễn Đại Giang và tìm cách liên lạc với ông. Dẫu cách trở hai quốc gia Việt-Mỹ, cả thầy và trò đều tâm huyết trên con đường khám phá nghệ thuật đảo ngược.
“Trước tiên, tôi vẽ cho chính mình để thỏa mãn đam mê trong tâm hồn. Có những bức tranh tôi bắt đầu sáng tạo từ năm 2010 và cũng có những tác phẩm sau một thời gian không vừa ý, tôi bắt tay vẽ lại”, họa sĩ Tuấn Định bày tỏ.
Triển lãm diễn ra từ ngày 14/12 - 22/12/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: Sơn Trà
Tranh đảo ngược là một trong các trường phái kén người thưởng thức nên không thể gắn bó lâu dài hay làm giàu từ loại hình nghệ thuật này. Người nghệ sĩ bắt buộc phải xả thân và cống hiến bằng tình yêu và niềm đam mê của mình. Mới đây, họa sĩ Nguyễn Đại Giang tiết lộ đã có một vị khách mua 25 bức tranh về nghệ thuật đảo ngược để trưng bày.
Sơn Trà