Đoàn kết xây dựng vùng đồng bào DTTS giàu mạnh, đậm đà bản sắc

Đoàn kết xây dựng vùng đồng bào DTTS giàu mạnh, đậm đà bản sắc
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều chính sách hiệu quả cải thiện đời sống người dân
Thời gian qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành, địa phương thực hiện. Mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng mang tính đặc thù để đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào DTTS phát triển.
Tiêu biểu như chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nhất tỉnh; cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng; phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản; bảo tồn, phát huy tiếng DTTS; xây dựng công trình ngầm, cầu dân sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh và nhiều dự án quan trọng khác.
Đồng chí Vi Thanh Quyền khen thưởng điển hình của Lục Nam có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: đức quang.
Cùng đó, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện hiện quả các chương trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS và miền núi như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Cuộc vận động “Vì người nghèo” với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”... Qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang có 73 xã và 19 thôn ĐBKK. Đồng bào DTTS có khoảng 260 nghìn người (chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh), tập trung ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, một phần của huyện Lạng Giang. Có 6 DTTS sinh sống tập trung thành cộng đồng gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (còn có tên gọi khác là Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Chí), Dao.
Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III (giai đoạn 2019-2024), công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chính sách đầu tư hỗ trợ đối với vùng DTTS, người DTTS được quan tâm thực hiện thông qua các chính sách như: Chương trình phát triển KT-XH các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), các chính sách về giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn kinh phí lớn từ ngân sách T.Ư, tỉnh, huyện trong giai đoạn 2019-2024 đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Với nhiều nỗ lực, cố gắng đến nay, diện mạo đời sống người dân vùng DTTS có nhiều khởi sắc.
Nghi lễ cầu mùa của đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Sán Chí ở huyện Sơn Động.
Điểm nhấn nổi bật so với giai đoạn trước là kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều công trình, dự án có tính lan tỏa, kết nối liên vùng, tác động lớn đến phát triển KT-XH. Hầu hết các đường trục xã, thôn, ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa. Các địa phương hoàn thành kế hoạch giúp đỡ 566 hộ nghèo người DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK xóa nhà tạm; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 2.345 hộ. Đáng mừng là đến nay toàn tỉnh có 42/73 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại 69 thôn giảm từ 18,36% năm 2021 xuống còn 12,92% năm 2023.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, quốc phòng trong vùng DTTS và miền núi được quan tâm. Nhiều phong tục, nét đẹp văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị như: Ngôn ngữ, trang phục, lễ hội truyền thống... Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững chắc, chung tay đưa Bắc Giang trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, vượt khó vươn lên
KT-XH vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển nhưng đây vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Kết cấu hạ tầng cơ sở tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Bản sắc văn hóa của các dân tộc đang đứng trước thực trạng ngày càng bị mai một, an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS huyện Lục Ngạn có nhiều khởi sắc.
Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Trong đó xác định nhiều mục tiêu quan trọng như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, phấn đấu đến năm 2029 có từ 90% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi trở lên có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; giảm dần tỷ lệ hộ nghèo người DTTS xuống dưới 6,5%...
Tỉnh Bắc Giang có 73 xã và 19 thôn ĐBKK Đồng bào DTTS có khoảng 260 nghìn người (chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh), tập trung ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, một phần của huyện Lạng Giang. Có 6 DTTS sinh sống tập trung thành cộng đồng gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Chí), Dao.
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các ngành, địa phương, tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân tộc. Tập trung, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, các chính sách đặc thù riêng của tỉnh, lồng ghép với các chương trình, dự án khác để phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thực hiện tốt chính sách, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Phát huy dân chủ cơ sở, thực hiện tốt công tác dân vận, công tác nắm tình hình, chăm lo giải quyết các vấn đề cấp thiết, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS; khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, coi đây là yếu tố quyết định đến mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Từ thực tiễn công tác và kinh nghiệm cho thấy, để công tác dân tộc và chính sách dân tộc đi vào cuộc sống, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với phong tục, tập quán và nhận thức để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó tuân thủ nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức cho đồng bào DTTS thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương.
Chú trọng lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm, xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Khai thác những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với phát triển bền vững.
Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/doan-ket-xay-dung-vung-dong-bao-dtts-giau-manh-dam-da-ban-sac-090645.bbg