Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn tăng tốc sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều DN đã ký kết được các đơn hàng sản xuất đến hết quý I và quý II năm 2025. Tiêu biểu như Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise đã ký hợp đồng dài hạn xuất khẩu dụng cụ thể thao và trang phục thể thao với đối tác quốc tế trị giá hơn 200 tỷ đồng, đảm bảo sản xuất liên tục đến hết quý II/2025. Khối lượng đơn hàng năm nay dự tính tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm ngoái và đơn giá so với cùng kỳ cũng tăng khoảng 3%. Các sản phẩm của công ty đã thâm nhập thành công vào các chuỗi bán lẻ thể thao lớn tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường đối với trang phục thể thao bền vững và chất lượng cao.
Với sự kiên trì trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu, năm 2024, Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn cũng đã ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn, đặc biệt là vào các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Các sản phẩm của Tiên Sơn đã thâm nhập thành công vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng tầm ảnh hưởng và khẳng định vị thế của công ty trên thị trường quốc tế. Đến nay, công ty đã ký được khoảng 30 - 40% đơn hàng xuất khẩu cho đến hết tháng 6/2025, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất và tăng trưởng trong thời gian tới. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự ổn định và tiềm năng phát triển lâu dài của công ty.
Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường, công ty còn chú trọng đến việc đầu tư vào công nghệ và phát triển bền vững. Việc cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các công nghệ tiên tiến, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững đã giúp công ty duy trì được sự cạnh tranh trên thị trường.
Theo Cục Thống kê tỉnh, ngành dệt may Thanh Hóa hiện có hơn 300 DN hoạt động và đang ghi nhận những kết quả rất ấn tượng trong năm 2024. Nhờ vào chiến lược linh hoạt trong việc đa dạng hóa sản phẩm và khai thác các thị trường tiềm năng, 10 tháng đầu năm 2024, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh đã sản xuất hơn 610 triệu sản phẩm, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dệt may tỉnh nhà sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và khẳng định khả năng cạnh tranh ngày càng cao của các sản phẩm dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Các DN dệt may, da giày Thanh Hóa đã liên tục đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và thị trường quốc tế với các tiêu chuẩn cao. Các DN đặc biệt linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường; chú trọng vào sản xuất các sản phẩm có tính kỹ thuật cao, giá trị gia tăng lớn thay vì các mặt hàng phổ thông khó cạnh tranh. Nhiều DN cũng tích cực mở rộng mạng lưới xuất khẩu sang các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi, giúp tăng trưởng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu dệt may vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 đang có nhiều yếu tố thuận lợi giúp các DN dệt may, giày da tăng trưởng doanh thu. Tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, lạm phát hiện có xu hướng giảm, giúp kích thích tiêu dùng. Một số quốc gia cạnh tranh trong ngành dệt may đang đối mặt với những bất ổn như đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động chính trị đã tạo thêm cơ hội cho DN dệt may Việt Nam đón nhận các đơn hàng dịch chuyển. Thêm vào đó, giá cước vận tải giảm cũng là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành”.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của các DN trong việc đầu tư, nâng cấp máy móc hiện đại và cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, các ngành chức năng cũng tích cực hỗ trợ phát triển bền vững. Ngành công thương đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN cũng như củng cố vị thế ngành dệt may, da giày Thanh Hóa trên thị trường.
Với những yếu tố thuận lợi này, ngành dệt may Thanh Hóa kỳ vọng sẽ phục hồi hoàn toàn và đặt mục tiêu sản xuất hơn 700 triệu sản phẩm và xuất khẩu khoảng 450 triệu sản phẩm trong năm 2025. Tuy nhiên, các thị trường nhập khẩu lớn đang yêu cầu các DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chỉ số phát triển bền vững và tiêu chí sản xuất xanh. Chẳng hạn, các sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế từ sản phẩm thiên nhiên hoặc phế phẩm. Điều đó đòi hỏi các DN phải đầu tư công nghệ, đồng thời tận dụng các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng thị trường mới.
Bài và ảnh: Chi Phạm