Các doanh nghiệp địa ốc đang chuyển hướng làm nhà ở xã hội vì chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Xu hướng mới
TP. Vũng Tàu (cũ) đã phát đi công bố mời thầu phát triển một dự án nhà ở xã hội có diện tích 4,7 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.737 tỷ đồng, gồm 3 block chung cư cao 16 tầng, tổng cộng 2.295 căn hộ nhà ở xã hội, dự kiến hoàn thành trong vòng 29 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án này đã có đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu tái định cư 10 ha trong tổng thể khu 58 ha được UBND TP. Vũng Tàu (cũ) phê duyệt tại Quyết định số 6307/QĐ-UBND ngày 13/10/2023.
Phân khúc nhà ở xã hội hút doanh nghiệp địa ốc một phần nhờ Nghị quyết 201/2025/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhiều cải cách mạnh mẽ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
Sau khi công bố, đã có 6 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tham gia, trong đó có những doanh nghiệp lớn tại TP.HCM, dù trước đó chưa từng làm dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, 6 doanh nghiệp này gồm: Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất; liên danh Hoàng Quân - Thành phố Vàng (thuộc Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân); liên danh DICERA (thuộc Công ty cổ phần DIC); Công ty cổ phần Đầu tư Hacom Holdings; liên danh Hoa Sen - Ngọc Long (thuộc Tập đoàn Hoa Sen); liên danh Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông - Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Việt Mỹ - Công ty cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng (thuộc Phú Đông Group).
Trong số này, các thương hiệu như DIC, Phú Đông, Hoa Sen, Hacom Holdings đều chưa từng phát triển dự án nhà ở xã hội. Đáng chú ý, Phú Đông và DIC là hai doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong phát triển bất động sản thương mại và đều sở hữu công ty xây dựng thành viên trong cơ cấu doanh nghiệp.
Mới đây, tỉnh Đồng Nai cũng công bố kết quả hồ sơ đăng ký tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội tại TP. Biên Hòa (cũ). Dự án có tổng diện tích 16.467 m2, trong đó ô ChC1 rộng 1.761 m2 và ô ChC2 rộng 4.706 m2. Cả hai tòa đều được quy hoạch xây dựng 12 tầng, cung cấp 478 căn hộ với dân số dự kiến khoảng 1.900 người. Tổng mức đầu tư sơ bộ gần 723 tỷ đồng, trong đó phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải tự thu xếp tối thiểu là 145 tỷ đồng.
Theo danh sách công bố của UBND tỉnh Đồng Nai, có 13 doanh nghiệp xin đăng ký tham gia phát triển dự án này, trong đó có những tên tuổi như: Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO, Phú Đông Group, Công ty cổ phần Xây dựng Hải Sơn, liên danh Công ty TNHH Dịch vụ thương mại đầu tư xây dựng Hạnh Phát - Công ty cổ phần Vina2 Sài Gòn - Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông (Trainco) - Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ đô thị Vina2…
Ngoài ra, Phú Đông Group cũng vừa phát đi thông báo đang nghiên cứu một dự án nhà ở xã hội tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận cũ).
Tập đoàn Bcons - một doanh nghiệp chuyên phát triển dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM, cũng công bố sẽ phát triển dự án nhà ở xã hội tại Dĩ An (Bình Dương cũ) với quy mô 2.500 căn hộ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội. Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư P.K đang săn tìm các quỹ đất tại Bình Dương (cũ) để triển khai dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc xin tham gia phát triển nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp này đã chủ động mua quỹ đất và đăng ký thực hiện dự án như Tập đoàn Hưng Thịnh, Novaland, Kim Oanh Group…
Vì sao doanh nghiệp “rẽ hướng” sang nhà ở xã hội?
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, việc doanh nghiệp chuyển hướng sang phát triển nhà ở xã hội đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện nay, cơ chế pháp lý cũng như các vướng mắc trong đầu tư nhà ở xã hội được Chính phủ tháo gỡ phần lớn, giúp tiến độ triển khai nhanh hơn và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp. Ngoài ra, thị trường nhà ở thương mại đang “bội cung”, trong khi nhà ở xã hội rất thiếu.
“Một vấn đề khác là chi phí sử dụng đất quá cao khiến doanh nghiệp khó có thể xây dựng nhà ở thương mại giá rẻ. Bên cạnh đó, tiến độ pháp lý chậm và mức độ cạnh tranh lớn khiến chúng tôi quyết định chuyển hướng sang nhà ở xã hội”, ông Phúc nói.
Tương tự, ông Dương Văn Đạt, Tổng giám đốc một doanh nghiệp mới tham gia thị trường bất động sản phía Nam cho biết, khi nghiên cứu để triển khai dự án đầu tiên, ông nhận thấy phân khúc nhà ở xã hội còn nhiều tiềm năng. Đặc biệt là sự phân bố chưa đồng đều, ví dụ tại Bình Dương (cũ), các dự án chủ yếu tập trung ở khu vực giáp TP.HCM, trong khi các khu vực gần tỉnh Bình Phước (cũ) lại thiếu nghiêm trọng.
“Chúng tôi chọn nhà ở xã hội là hướng đi dài hạn. Đối với nhà ở thương mại, chúng tôi không lựa chọn do độ cạnh tranh cao và thời gian pháp lý quá dài”, ông Đạt chia sẻ.
Đại diện HoREA thì cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội hút doanh nghiệp địa ốc một phần nhờ Nghị quyết 201/2025/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhiều cải cách mạnh mẽ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
Điển hình như, các dự án có thể được miễn giấy phép xây dựng, áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, giúp giảm tới 90% thời gian so với đấu thầu thông thường. Giá bán và thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư tự tính toán, chịu trách nhiệm kiểm toán và báo cáo cơ quan cấp tỉnh giám sát, đảm bảo tính minh bạch và chủ động.
Đáng chú ý, việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ tạo ra nguồn nhà ở xã hội ổn định, được sử dụng luân phiên để hỗ trợ các nhóm yếu thế. Quỹ này huy động nguồn lực từ Nhà nước, chủ đầu tư dự án thương mại, người mua nhà và các tổ chức, cá nhân khác, đồng thời khuyến khích đóng góp bằng chính sản phẩm căn hộ do chủ đầu tư phát triển.
Gia Huy