'Doanh nghiệp Nhà nước muốn có cơ chế đủ thông thoáng để kinh doanh bình đẳng'

'Doanh nghiệp Nhà nước muốn có cơ chế đủ thông thoáng để kinh doanh bình đẳng'
9 giờ trướcBài gốc
Sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Các ý kiến thảo luận tại Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đều nhất trí quan điểm cần thiết ban hành Luật. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành (Luật số 69/2014/QH13) đã đưa ra những quy định quản lý chặt chẽ, dẫn đến hai tình trạng.
Một là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mất quyền chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn mình có và lợi nhuận làm ra; dẫn đến hoạt động xơ cứng, không năng động, hiệu quả bằng doanh nghiệp tư nhân.
Thứ hai, quy định chặt chẽ nhưng vẫn xảy ra tình trạng thất thoát vốn Nhà nước, không rõ ràng trách nhiệm. Thực tế thời gian qua có những DNNN đổ vỡ nhưng quy trách nhiệm cũng không phải dễ.
Đối với dự thảo Luật lần này, GS.TS Hoàng Văn Cường cũng có một số góp ý cụ thể. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đang đưa đối tượng là doanh nghiệp có 50% vốn Nhà nước trở lên. “Vậy những doanh nghiệp dưới 50% vốn thì sao?,” đại biểu nêu vấn đề. Theo ông, cần phải có cả chế tài quản lý tại những doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước, rồi DNNN đầu tư vào công ty con.
“Phải mở rộng phạm vi, tuy nhiên cơ chế với mỗi loại hình phải khác. Dòng tiền của Nhà nước có ở đâu thì phải quản lý ở đó,” vị đại biểu Đoàn TP Hà nội nêu quan điểm.
GS.TS Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ đồng tình với quy định tiền của Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp thì phải trở thành vốn của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải được quyền quyết định. Tuy nhiên ông cho rằng phải bổ sung quy định Nhà nước sở hữu cổ phần tương ứng vốn góp, có quyền lợi như cổ đông chứ không phải chịu trách nhiệm quản lý.
“Phải phân định rõ Nhà nước quản lý cái gì, tránh tình trạng can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tôi thì Nhà nước quản lý hoạt động đầu tư vốn, thoái vốn hay thêm vốn, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chứ không làm thay,” ông Cường ý kiến.
Vị đại biểu cũng đề nghị phân định rõ hơn cơ quan quản lý tại các DNNN. Theo ông, doanh nghiệp làm nhiệm vụ chính trị thì thuộc cơ quan Chính phủ, nhóm thực hiện nhiệm vụ công thì thuộc UBND các tỉnh, nhóm thực hiện nhiệm vụ xã hội thì thuộc về các tổ chức xã hội, còn nhóm đầu tư với mục đích thu lợi nhuận thì thuộc cơ quan đại diện quản lý vốn.
“Như vậy mới phân định rõ lợi ích, trách nhiệm. Như cơ quan đại diện quản lý vốn thì phải kinh doanh vốn chứ không phải ngồi xét duyệt; thấy lợi thì bỏ vốn, không lợi thì rút ra,” GS Hoàng Văn Cường nói.
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Ngân hàng Agribank.
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Agribank cũng đánh giá, dự thảo Luật đã cố gắng giải quyết các bất cập trong quy định hiện hành. Theo ông, quốc gia nào cũng phải có DNNN, là lực lượng vật chất quan trọng, nhất là trong thời kỳ khó khăn như Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên vị đại biểu cũng đánh giá, cơ chế quản lý DNNN hiện nay như “chiếc áo quá chật”.
“Ngày xưa doanh nghiệp cổ phần, tư nhân chỉ muốn có ưu ái như DNNN, còn bây giờ DNNN lại muốn có cơ chế đủ thông thoáng, cởi mở để cạnh tranh, kinh doanh bình đẳng, sòng phẳng,” ông Phạm Đức Ấn nói.
Theo Chủ tịch Agribank, DNNN có nhiều mục tiêu chứ không chỉ là để mang về lợi nhuận. Có nhiều mảng kinh doanh tư nhân không muốn đầu tư, hoặc thực hiện các chính sách lớn, mục tiêu dài hạn của đất nước... Đó chính là lúc DNNN phát huy vai trò.
“Tuy nhiên, việc quản lý tài sản không phải của mình bao giờ cũng sợ kiểm soát không chặt chẽ, gây thất thoát và thực tế trong quá khứ là có, người tù tội nhưng tiền vẫn mất. Về phía Nhà nước thì sợ buông ra sẽ mất kiểm soát nên quy định quyền hẹp nhất, dẫn tới doanh nghiệp mất quyền chủ động. Những người tuân thủ thì chỉ cố gắng làm sao cho năm sau cao hơn năm trước, nhưng thực tế doanh nghiệp cổ phần hay tư nhân họ đã đi tới đâu rồi,” ông Ấn nêu thực tế.
Chủ tịch Agribank cho rằng, DNNN với mục tiêu dài hạn của đất nước thì cơ chế đánh giá cũng phải tổng thể theo mục tiêu đạt được, 1-2 quyết định mắc sai lầm nhưng không vì mục tiêu cá nhân thì không nên truy cứu. “Trong dự thảo Luật đã có điều này, tất nhiên để rõ ràng thì còn phải cụ thể hóa bằng hướng dẫn của Chính phủ và thực thi của các cơ quan,” ông Ấn nói.
Chủ tịch Agribank ủng hộ quan điểm chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu. Vì vậy, ông cho rằng phải làm thế nào để DNNN đóng vai trò tiên phong, đi trước mở đường, với các lĩnh vực mới như công nghệ số, công nghiệp phụ trợ, thay thế hàng nhập khẩu...
Đinh Nhung
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-muon-co-co-che-du-thong-thoang-de-kinh-doanh-binh-dang-35902.html