Xoay xở khi giá điện tăng
Giá điện tăng, chi phí đầu vào tăng, song nhiều doanh nghiệp (DN) chưa dám tăng giá sản phẩm. Một số DN cho biết đang tìm cách xoay về thị trường nội địa để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Khắc Tâm - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội DN Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, giá điện tăng thì chi phí sản xuất sản phẩm của DN tăng, khiến lợi nhuận thấp đi. Nếu tăng giá sản phẩm thì DN khó cạnh tranh. Đa phần DN mong muốn giữ ổn định giá điện trong bối cảnh thuế đối ứng đang còn treo lơ lửng, sức mua cũng hạn chế.
Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội kết hợp với doanh nghiệp các địa phương giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng miền, đầu tháng 5/2025. Ảnh. H.H.
“DN ở thế rất khó, chưa dám điều chỉnh giá bán. Vì hiện nay sức mua chưa thật tốt. Trong khi ở chiều ngược lại chi phí đầu vào tăng. Muốn bán được sản phẩm DN phải xoay xở đủ cách” - ông Tâm cho biết.
Trên thực tế, giá điện đã chính thức tăng thêm 4,8% từ ngày 10/5 từ mức 2.103,11 đồng/kWh lên mức 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Ông Tâm cũng cho biết, để giảm sự ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng giá điện DN buộc phải giảm chi phí hoạt động khác. Trong thời điểm hiện nay DN có thể tìm hiểu để đầu tư và sử dụng điện áp mái mặt trời.
Còn ông Phí Ngọc Sơn - Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH Trung Thành (Trung Thành Foods) phân tích, mức tăng giá điện dù ít hay nhiều đều có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Từ năm 2023 đến nay, ngành điện đã có 4 lần tăng giá điện khiến hoạt động của DN có nhiều xáo trộn, giá điện trực tiếp làm gia tăng thêm chi phí đầu vào, tác động đến giá thành khiến sản phẩm của DN giảm tính cạnh tranh.
Với hàng nghìn sản phẩm đang có mặt trên thị trường, trước biến động của các yếu tố đầu vào như xăng dầu, điện, cước vận tải… DN đã phải cố gắng cải tiến đổi mới dây chuyền sản xuất, tăng tỷ lệ tự động hóa, ứng dụng công nghệ xanh để tiết giảm năng lượng, cố gắng làm sao giữ được giá thành sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trung Thành cũng như nhiều DN tư nhân khác đều mong muốn giá điện luôn ổn định, hoặc nếu có tăng cần phải được tính toán kỹ theo lộ trình và thời điểm thích hợp, khi đó mới phù hợp với sức chịu đựng của DN, góp phần hỗ trợ các DN trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Tìm cách phát triển thị trường nội địa
Đẩy mạnh thị trường nội địa cũng là chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với 3 thành phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60-65% tùy từng năm.
Ông Trần Khắc Tâm cho biết, các DN đang phải sử dụng những mối quan hệ có được để kết nối với các DN trong tỉnh, ngoài tỉnh cùng sử dụng sản phẩm của nhau. Các địa phương đưa sản phẩm nổi bật của địa phương mình về Hà Nội để giới thiệu và bán và phát huy hiệu quả tốt. “Các DN cũng nhận thấy rằng cần phải gia tăng hiệu quả kết nối và gia tăng sức ảnh hưởng sản phẩm địa phương”- ông Tâm nói và cho biết thời gian gần đây, công tác xúc tiến thương mại được chú trọng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh địa phương. Nhiều Sở Công thương kết hợp với các hiệp hội ngành nghề tổ chức chương trình kết nối với các DN, tổ chức gian hàng để hội chợ triển lãm, hội chợ. Thông qua các sự kiện này giúp DN quảng bá, đưa sản phẩm tiếp cận tới thị trường, tạo độ nhận diện thương hiệu đến nhóm khách hàng rộng hơn. Đây cũng là hình thức nâng cao ý thức người Việt dùng hàng Việt.
Hàng Việt Nam mặc dù tiềm năng lớn, nhưng việc chiếm lĩnh thị trường nội địa không dễ dàng. Nhiều ngành hàng quan trọng vẫn do DN nước ngoài nắm giữ phần lớn thị phần, từ bán lẻ, điện tử, thực phẩm chế biến đến công nghệ. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, đòi hỏi các DN trong nước phải không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và tối ưu hóa dịch vụ. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được triển khai rầm rộ, nhưng vẫn chưa thể thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng. Lý do quan trọng nằm ở chất lượng sản phẩm.
Có thể thấy, hiện nay, bán lẻ hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đây là lý do các DN lớn đã và đang nỗ lực đầu tư mở rộng hệ thống phân phối, nhằm đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của thị trường nội địa.
Giới chuyên gia khuyến cáo, DN cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường. Ngoài ra, DN cần có chiến lược hình ảnh và thương hiệu; nâng cao năng lực quản trị của DN; tăng cường đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Việt Nam cần có chính sách khuyến khích DN trong nước liên kết theo chuỗi, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, như vậy sẽ có loạt DN quy mô lớn đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Cũng đánh giá cao tiềm năng tại thị trường nội địa, ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích: Để khai thác hiệu quả thị trường nội địa, Việt Nam cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ khu vực DN trong nước tham gia vào phát triển sản phẩm và tiêu thụ tại thị trường trong nước. Cụ thể là các chính sách hỗ trợ DN tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, xâm nhập thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng hàng Việt.
Ông Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện NCKH, Học viện Ngân hàng nhấn mạnh thị trường nội địa với 100 triệu dân chưa được tận dụng tối đa nguồn lực. Nếu chúng ta biết cách thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu Việt và tạo ra niềm tin nơi người tiêu dùng trong nước thì thị trường nội địa sẽ khơi thông.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương):
Trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều biến động, ngành xuất khẩu cần có giải pháp để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, hay các thị trường truyền thống có rủi ro về thuế. Bộ Công thương đã đưa ra một số đề xuất giải pháp trong đó kích cầu tiêu dùng nội địa. Với chiến dịch truyền thông quốc gia, tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, nhấn mạnh chất lượng và giá trị của hàng hóa nội địa.
Các chiến dịch sẽ được triển khai trên nhiều nền tảng nhằm nâng cao nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng. Chương trình xúc tiến thương mại - Tổ chức các sự kiện mua sắm quy mô lớn, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham gia của các DN bán lẻ, sàn thương mại điện tử và ngành dịch vụ. Các chương trình khuyến mãi và ưu đãi sẽ được thiết kế để kích thích sức mua, đặc biệt trong các giai đoạn tiêu dùng thấp điểm.
H.Hương-P.Vân