Tại talkshow “Doanh nhân - Bạn chuẩn bị gì cho đội ngũ kế thừa?” do CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức sáng 29/11, nhiều doanh nhân bày tỏ lo lắng khi con cái không chịu kế nghiệp sự nghiệpcủa công ty gia đình.
Ông Hàng Vay Chi – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 11 cho biết, thế hệ trước, các doanh nhân thường tự lập, vất vả gây dựng nên sự nghiệp. Nhưng hiện nay, thế hệ con cái của họ (thường gọi là các F2) hầu hết đều được đi học ở Mỹ, châu Âu hay ít nhất cũng Malaysia, Singapore. Cộng với việc khởi nghiệp ngày càng được khuyến khích, nhiều bạn trẻ không còn mặn mà với việc kế tục công ty gia đình.
Ông Hàng Vay Chi – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 11 chia sẻ tại sự kiện
Bản thân ông Hàng Vay Chi có 2 người con gái nhưng không phải người con nào cũng đi theo nghề của cha. Con gái đầu lòng của ông từng sống ở Mỹ 12 năm, theo học y khoa. Khi về Việt Nam, con gái ông đã thẳng thừng từ chối vì không hợp môi trường.
Ông Chi lý giải thêm, một trong các lý do khiến con cái sợ nối nghiệp cha mẹ vì bên cạnh thừa hưởng sự nghiệp để lại thì phải thay cha mẹ gánh vác các khoản nợ, các trách nhiệm với đối tác, khách hàng nên nhiều bạn trẻ không hào hứng.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Tracent và Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hưng, cho biết một số người bạn của ông là chủ doanh nghiệp bao bì và nhựa cũng không biết giao quyền điều hành công ty cho ai vì con cái không chịu tiếp quản.
“Nhiều bạn trẻ đi học ở Mỹ về thấy các khu công nghiệp khói bụi, ô nhiễm nên sợ, không chịu về làm ở công ty. Con cái không muốn thì cha mẹ không thể ép, nhưng không giao doanh nghiệp cho con thì biết giao cho ai vì không tin tưởng được người ngoài”, ông Hưng nêu vấn đề.
Ép kế nghiệp là hại con và hại công ty
Bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM, Cố vấn CLB Doanh nhân Sài Gòn, thừa nhận sự thật hiện nay, “con cái đặt đâu cha mẹ phải ngồi đấy”. Việc bắt ép con cái theo nghề của cha mẹ là không nên bởi vừa hại chính con cái và hại luôn công ty. Do đó, theo bà Mai, các doanh nghiệp không nhất thiết phải trao quyền điều hành công ty cho con cái mà có thể trao cho người ngoài, miễn là họ tâm huyết và có trách nhiệm với doanh nghiệp.
Việc chuyển giao đội ngũ kế thừa, theo bà Mai cũng không phải đợi khi doanh nghiệp phát triển mà cần lên kế hoạch ngay khi vừa thành lập công ty để phòng trường hợp đang quản lý công ty thì người đứng đầu bị bệnh hay gặp bất trắc gì đó xảy ra.
Bà Mai nêu quan điểm: “Đội ngũ kế thừa không nhất thiết phải là người trong gia đình, bởi hiện nay, nhiều bạn trẻ không muốn quay về công ty của cha mẹ. Để chuẩn bị cho việc xây dựng đội ngũ kế thừa, cách tốt nhất là phải chuyên nghiệp từ các phòng ban, xây dựng quy trình bài bản để nếu một người nghỉ thì vẫn có nhân sự thay thế”.
Lấy ví dụ từ các trường hợp trao quyền kế thừa trên thế giới, Luật sư Phạm Ngọc Hưng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp trong việc chuyển giao thế hệ kế thừa. Đó là cần ổn định đội ngũ Hội đồng quản trị, còn các chức danh như Tổng giám đốc có thể chuyển giao cho người ngoài. “Chỉ cần đưa con làm Chủ tịch HĐQT, còn các chức danh khác đều có thể thuê. Đôi khi như vậy lại tốt cho công ty khi người con không biết cách và không đủ khả năng điều hành doanh nghiệp”, ông Hưng tư vấn.
Theo TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, ở Việt Nam không có khái niệm doanh nghiệp trên 100 năm tuổi, nhưng trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, có cả doanh nghiệp ngàn năm tuổi. Điểm nổi bật của các doanh nghiệp này là không nhất định phải trao quyền kế tục sự nghiệp cho người con nếu đó là “bất tài vô dụng”.
TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên nêu quan điểm về doanh nghiệp ngàn năm tuổi
Ông Vũ đặt ra vấn đề: “Nhật Bản có 33 ngàn công ty có tuổi đời từ 100 năm trở lên, chiếm 40% số công ty nhóm này trên thế giới. Hơn 3.000 doanh nghiệp đã tồn tại ít nhất 200 năm. Khoảng 140 đã hoạt động hơn 500 năm và ít nhất 19 doanh nghiệp đã qua một ngàn năm. Những doanh nghiệp trên ngàn năm tuổi đều là yếu tố gia đình. Tuy nhiên, họ sẵn sàng chọn người đồng hành với họ để giao luôn công ty. Một trong những cách thức để làm điều đó là chuyển họ của người được kế thừa sang họ của người chủ doanh nghiệp. Vì thế, Việt Nam cũng cần suy nghĩ để làm sao có được các doanh nghiệp ngàn năm tuổi như Nhật Bản”.
Cần ứng dụng chuyển đổi số, tối ưu hóa quy trình vận hành
Bà Nguyễn Thị Phương Quyên - Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số Khối Doanh nghiệp vừa của MISA phía Nam cho rằng, muốn xây dựng đội ngũ kế thừa trong thời buổi hiện nay không thể thiếu công nghệ.
Một trong các biện pháp quan trọng đó là phải ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, công nghệ AI để quản trị nhân sự, đánh giá năng lực và hỗ trợ lãnh đạo trẻ phát triển kỹ năng quản lý hiệu quả. Làm được như vậy, lãnh đạo doanh nghiệp không còn phải lo lắng phải đến công ty mà có thể điều hành từ xa, việc chuyển giao thế hệ cũng đơn giản và rút ngắn thời gian hơn.
Doanh nhân Hàng Vay Chi đưa ra lời khuyên, để chuẩn bị cho đội ngũ kế thừa có đủ năng lực, trình độ thì cần hỗ trợ họ các kiến thức, kĩ năng cần thiết. Đa phần thế hệ kế thừa hiện nay được học hành bài bản từ châu Âu và Mỹ, nắm bắt công nghệ giỏi, hiện đại, năng động nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn và chưa hiểu nhiều về quá khứ, lịch sử, do đó, cần giúp họ tiếp xúc với nhiều chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, lãnh đạo lâu năm để có thể kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại.
Các doanh nhân tham gia tọa đàm
Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Sản xuất Thương mại MEBIPHA, khẳng định việc phát triển nhân lực kế thừa đã trở thành một điều cấp thiết, vì thế, các doanh nghiệp cần nỗ lực xây dựng đội ngũ kế thừa ngay từ hôm nay.
"Phát triển nhân lực kế thừa không còn là một lựa chọn, mà là một nhiệm vụ sống còn đối với các doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường luôn biến động và khó đoán, việc chuẩn bị một đội ngũ kế thừa vững mạnh sẽ đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả và ổn định, bất kể điều kiện ngoại cảnh", bà Ái nói.
Ban Tổ chức hội thảo cảm ơn các nhà tài trợ
Ra mắt Ban Đào tạo - CLB Doanh nhân Sài Gòn
Cũng tại chương trình, đã diễn ra Lễ ra mắt Ban Đào tạo của Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn. Ban Đào tạo được thành lập với mục tiêu nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp thành viên, tập trung vào việc tổ chức các khóa học, hội thảo và chương trình huấn luyện chuyên sâu. Đây sẽ là nơi kết nối tri thức, xây dựng những giá trị bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ra mắt Ban Đào tạo CLB Doanh Nhân Sài Gòn
Ông Ngô Xuân Lộc – Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, cho biết Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn trong nhiều năm qua không chỉ là nơi kết nối cộng đồng doanh nhân, mà còn là cầu nối giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, thích ứng với thời đại, và phát triển bền vững.
“Ban Đào tạo CLB Doanh Nhân Sài Gòn sẽ trực tiếp đảm nhận vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, phát triển nhân sự và nâng cao chất lượng đội ngũ kế thừa”, ông Lộc nhấn mạnh.
Thời gian tới, Ban Đào tạo sẽ tổ chức các chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ đó, tạo môi trường để các doanh nhân, chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, ươm mầm những tài năng trẻ, tạo ra đội ngũ kế thừa đáp ứng được thách thức của thời đại.
Bà Trần Thị Thu Trang – Giám đốc Công ty TNHH Đại lý thuế Hợp Luật, Phó Ban Đào tạo Phụ trách nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của Ban là xây dựng một hệ sinh thái học tập toàn diện và hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu của các thành viên.
"Chúng tôi cam kết đảm bảo tính ứng dụng thực tế của các chương rình đào tạo. Trong quá trình phát triển, chúng tôi sẽ thu thập các phản hồi của học viên để cải tiến liên tục, so sánh hiệu quả trước và sau đaòo tạo, đánh giá tác động của chương trình lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", bà Trang nói.
Đại diện Hội đồng Khoa học, TS Mai Bình Dương - Trưởng khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang, cam kết Hội đồng Khoa học sẽ không ngừng đồng hành cùng CLB trong việc định hướng các hoạt động mới, giúp tổ chức ngày càng khẳng định vị thế trong cộng đồng. Đội ngũ Ban cố vấn, với sự hỗ trợ đắc lực từ các doanh nhân và chuyên gia, sẽ nỗ lực hết mình để thiết kế những chương trình thiết thực, bổ ích và có tính ứng dụng cao.
Tâm An