GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.T.C.C
Ngày 28/12, Trường Đại học Sư phạm TPHCM phối hợp cùng Tạp chí Giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Đổi mới đào tạo giáo viên phổ thông trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0".
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM khai mạc hội thảo với những chia sẻ về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với ngành Giáo dục.
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ ngành Giáo dục.
Nhận thức được điều này, Trường Đại học Sư phạm TPHCM luôn chú trọng trong việc áp dụng công nghệ vào giáo dục, điển hình là hệ thống VLE (Virtual Learning Environment), hỗ trợ giảng viên nâng cao năng lực và giúp bồi dưỡng giáo viên đáp ứng thách thức thời đại số.
PGS.TS Nguyễn Tiến Trung trong phần báo cáo đề dẫn. Ảnh: N.T.C.C
PGS.TS Nguyễn Tiến Trung, Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục, trong phần báo cáo đề dẫn, đã chỉ ra rằng giáo dục Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với các xu hướng đổi mới toàn diện, đặc biệt trong việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ông cũng nhấn mạnh ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là AI và các công nghệ tiên tiến khác trong việc thay đổi cách thức dạy và học.
Một trong những điểm nhấn của hội thảo là các tham luận về ảnh hưởng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với quá trình đào tạo giáo viên và công tác quản lý giáo dục.
Chuyển đổi số và các công nghệ mới như AI, VR và AR được xem là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và mở rộng cơ hội học tập sáng tạo cho học sinh.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.T.C.C
Bên cạnh đó, các báo cáo tại hội thảo cũng chỉ ra thực trạng chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, đồng thời nêu bật những thách thức mà giáo viên gặp phải khi ứng dụng công nghệ mới vào giảng dạy.
Các chuyên gia đề xuất các mô hình học tập trực tuyến và tăng cường sự hỗ trợ cộng đồng học tập giữa các giáo viên để có thể cập nhật nhanh chóng các phương pháp giảng dạy hiện đại.
Nhiều nghiên cứu cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc bồi dưỡng giáo viên để nắm vững và sử dụng thành thạo các công nghệ trong dạy học và quản lý.
Các tham luận, ý kiến với nhiều đề xuất thiết thực cho việc đổi mới đào tạo giáo viên. Ảnh: N.T.C.C
Các đại biểu cũng thảo luận về việc phát triển năng lực phân tích dữ liệu trong nghiên cứu khoa học giáo dục, giúp giáo viên và các nhà nghiên cứu có thể đưa ra các quyết định chính xác và kịp thời trong công tác giảng dạy.
Việc áp dụng các mô hình giảng dạy mới như lớp học đảo ngược (flipped classroom) cũng được xem là xu hướng nổi bật, giúp học sinh tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập.
Hội thảo này cũng đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và sinh viên sư phạm nhận thức rõ hơn về các cơ hội và thách thức trong việc đào tạo giáo viên phổ thông trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, các tham luận cũng tạo ra một diễn đàn chia sẻ tri thức, kinh nghiệm nghiên cứu và thực hành các cải cách, đổi mới trong nghiên cứu khoa học giáo dục, góp phần đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại Việt Nam.
Những đề xuất này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học khác, như: GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục; GS.TS Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy viên Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục; TS. Hà Văn Dũng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục; TS. Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM; nhiều chuyên gia, giảng viên từ các cơ quan quản lý giáo dục, các trường đại học, giáo viên các trường phổ thông...
Lê Mạnh