Dự án là trục cao tốc Bắc - Nam của tỉnh Bình Dương và Bình Phước, kết nối tuyến Vành đai 4 - TP.HCM, Vành đai 3 - TP.HCM, dẫn đến đường Vành đai 2 – TP.HCM, nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), kết nối với các sân bay và cảng biển. Trong đó, đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đi qua 5 địa phương cấp huyện; điểm đầu giao với đường Vành đai 3 - TP.HCM thuộc địa phận TP.Thuận An, điểm cuối tại ranh giới giữa Bình Dương - Bình Phước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước
Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 52,159km. Trong đó, đoạn giữ nguyên theo quy mô mặt cắt ngang đường hiện trạng khoảng 6,5km, đoạn xây dựng mới khoảng 45,6km. Phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 đầu tư đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Giai đoạn hoàn thiện, đầu tư đường cao tốc hoàn chỉnh có 6 làn xe theo quy hoạch, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Đoạn này được đầu tư bằng hình thức đầu tư công với tổng vốn 1.474 tỉ đồng, trong đó vốn trung ương 1.000 tỉ đồng và vốn địa phương 474 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2024-2026.
Tại tỉnh Bình Phước, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành khi được khai thác sẽ là tuyến huyết mạch liên kết vùng Đông Nam Bộ.
Đồng thời, công trình cũng giúp rút ngắn thời gian từ Bình Phước đến sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.
Ngoài dự án trên, Bình Phước đang chuẩn bị khởi công dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 129km, trong đó đoạn đi qua Đăk Nông dài 27,8km, đi qua Bình Phước dài 101km với tổng vốn đầu tư 25.540 tỉ đồng. Vốn Nhà nước tham gia 12.770 tỉ đồng và vốn nhà đầu tư 12.770 tỉ đồng.
Thủy Long