Trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non sửa đổi, Bộ GD&ĐT dự kiến nâng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo sư phạm và y dược có cấp chứng chỉ hành nghề.
Cụ thể, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành này phải có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ loại tốt trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Dự kiến nâng chuẩn xét tuyển ngành Y Dược và Sư phạm từ 2025. (Ảnh minh họa)
Một số ngành được áp dụng mức sàn thấp hơn như: Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều Dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Thí sinh cần có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ khá hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên.
Các điều kiện này đều cao hơn so với hiện nay - thí sinh chỉ cần xếp loại học lực giỏi hoặc khá ở lớp 12.
Ngoài ra, hiện Bộ chia thí sinh thi vào các ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe thành hai nhóm. Điều kiện về học bạ chỉ áp dụng với nhóm không xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Với nhóm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, Bộ sẽ công bố điểm sàn hàng năm.
Dự thảo công bố hôm nay không còn phân chia mức sàn theo phương thức xét tuyển.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến bổ sung điều kiện xét tuyển bằng học bạ. Theo đó, việc xét học bạ phải bằng tổ hợp gồm ít nhất ba môn, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với trọng số ít nhất một phần ba tổng điểm. Một ngành, chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn. Khi đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như hiện nay, nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.
Bộ cũng yêu cầu các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay. Nếu điều này thành hiện thực, đại học không thể xét tuyển bằng học bạ và công bố điểm chuẩn từ tháng 3 như hiện nay.
Khánh Huyền