Nghi lễ rước kiệu tại lễ hội đình Chèm Ảnh minh họa: Nguyễn Thắng/TTXVN
Xuân Giáp Thìn 2024 là năm đầu tiên Hà Nội cùng cả nước thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Mục tiêu của Bộ tiêu chí nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, đảm bảo sự thống nhất để các địa phương áp dụng triển khai thực hiện, đồng thời là thước đo đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.
Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống có 9 tiêu chí chung, với 44 tiêu chí cụ thể đã bao quát được các nội dung trọng tâm trong công tác quản lý và xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống ở nước ta hiện nay.
Thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Đây là cơ sở để Ban Tổ chức lễ hội địa phương áp dụng thống nhất các giải pháp trong tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.
Bộ tiêu chí cũng là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương. Từ đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội...
Ngay từ đầu năm, Sở đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 có lồng ghép nội dung triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” đến các quận, huyện, thị xã; tiến hành ký giao ước thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đối với 30 quận, huyện, thị xã. Tại các địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức ký cam kết việc thực hiện các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống với các xã, phường, thị trấn, Ban Quản lý các di tích.
Thực hiện Bộ Tiêu chí về môi trường Văn hóa trong lễ hội, UBND các xã, phường có lễ hội diễn ra trên địa bàn đã chỉ đạo các Ban tổ chức lễ hội cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội.
Đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn trong lễ hội. Nhờ nỗ lực đó, thành phố Hà Nội đã có một mùa lễ hội an toàn, văn minh.
Hà Nội cũng đã tổ chức cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn" năm 2024. Qua cuộc thi, các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn Thủ đô đã nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.
Nhiều tuyến phố, khu dân cư, đường làng, ngõ xóm được trang hoàng sạch đẹp, ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh được nâng cao rõ rệt, trở thành thói quen tốt cho mỗi công dân Thủ đô. Đây chính là tiền đề quan trọng trong việc nâng cao ý thức, tạo thói quen ứng xử văn minh, văn hóa, thanh lịch của người Hà Nội không chỉ cho hôm nay mà còn là ý thức văn hóa lâu dài cho các thế hệ người dân Thủ đô.
Thông qua cuộc thi đã xuất hiện nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có những cách làm, mô hình hay, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức triển khai thực hiện việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự đô thị và xây dựng nếp sống văn minh. Tiêu biểu có thể kể đến như: Quận Long Biên với các mô hình: Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại Phố Trạm, bếp ăn tập thể tại trường tiểu học Gia Quất, Liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy tại phường Bồ Đề. Huyện Gia Lâm với các mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh và sản phẩm thân thiện với môi trường” thu gom phế liệu gây quỹ đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em.
Tại huyện Đan Phượng, các thôn, cụm dân cư vẽ thêm 550m tranh bích họa... Đặc biệt, huyện tổ chức cuộc thi video clip “Khám phá Check in - Đan Phượng, xây dựng 129 video clip giới thiệu về đặc điểm tình hình, văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, ẩm thực, mô hình điểm check in.
Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã xã hội hóa với tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng thực hiện công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan môi trường góp xây dựng huyện Đan Phượng sáng, xanh, sạch, đẹp...
Cuộc thi đã được UBND các quận, huyện, thị xã hưởng ứng, triển khai nghiêm túc, đồng bộ; gắn với việc thực hiện các nội dung trong Chương trình 06 -CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Qua kết quả kiểm tra, đánh giá, chấm điểm các tuyến đường, ngõ, phố tại các quận, huyện, thị xã, Ban tổ chức đã lựa chọn được 2 đơn vị đoạt giải Nhất, 4 đơn vị đoạt giải Nhì, 10 đơn vị đoạt giải Ba và 13 đơn vị đoạt giải Khuyến khích.
Tuyết Mai (TTXVN)