Dứa Việt Nam rộng đường xuất ngoại: Cần chiến lược bài bản để cán mốc tỷ USD

Dứa Việt Nam rộng đường xuất ngoại: Cần chiến lược bài bản để cán mốc tỷ USD
5 giờ trướcBài gốc
Người dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) thu hoạch dứa trên nương đồi. (Ảnh: nhandan.vn)
Tiềm năng lớn từ thị trường quốc tế
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích trồng dứa cả nước hiện vào khoảng 52 nghìn ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 48 nghìn ha, năng suất trung bình 184,1 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 860 nghìn tấn. Định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp sẽ phát triển vùng trồng lên 55–60 nghìn ha, với sản lượng ổn định khoảng 800–950 nghìn tấn/năm.
Các địa phương trọng điểm gồm Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Tiền Giang và Kiên Giang. Cơ cấu sản xuất đang chuyển dần sang trồng rải vụ nhằm bảo đảm nguồn cung quanh năm, phục vụ cả nhu cầu chế biến công nghiệp và tiêu dùng tươi trong thời điểm trái vụ từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Tỷ lệ diện tích trồng dứa trái vụ hiện chiếm khoảng 30%-40%.
Dứa Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2025, thị trường Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn nhất, với giá trị xuất khẩu đạt 16,56 triệu USD, chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu dứa, trong đó riêng Liên bang Nga đạt 9,4 triệu USD. Thị trường Hoa Kỳ đứng thứ hai với 7,2 triệu USD, chiếm gần 21%.
Nhà máy chế biến dứa Đồng Giao thu mua dứa quả tại ngay chân ruộng cho bà con.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết: “Thị trường dứa toàn cầu đang mở rộng rất mạnh. Nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ, tạo ra ‘không gian mênh mông’ để dứa Việt Nam tăng tốc”.
Báo cáo của các tổ chức nghiên cứu cho thấy, quy mô thị trường dứa toàn cầu năm 2024 ước đạt 28,79 tỷ USD và dự kiến đạt 39,13 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 6,33%. Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ hiện chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Ba quốc gia xuất khẩu dứa hàng đầu thế giới hiện nay là Costa Rica, Indonesia và Philippines.
Trong bối cảnh đó, dứa Việt Nam có nhiều cơ hội vươn xa, đặc biệt là khi sản phẩm nước dứa cô đặc của DOVECO đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia.
“Sản phẩm dứa của DOVECO được khách hàng Nhật Bản trả tới 4.000 USD/tấn, cao hơn khoảng 1.000–1.200 USD so với giá bán tại thị trường EU và Mỹ. Điều này cho thấy chất lượng và thương hiệu dứa Việt Nam đã được khẳng định rõ nét trên thị trường quốc tế”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Cần chiến lược rõ ràng để bứt phá
Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, chi phí sản xuất và năng lực chế biến, song ngành dứa vẫn còn đối diện không ít khó khăn. Bộ giống còn đơn điệu, thiếu các giống dứa chất lượng cao và kháng sâu bệnh; liên kết trong chuỗi giá trị còn rời rạc; vùng nguyên liệu đạt chuẩn còn ít; tỷ lệ chế biến sâu còn thấp; thiếu thương hiệu quốc gia và công tác xúc tiến mở cửa thị trường còn hạn chế.
Theo ThS Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), dứa Việt Nam dù đã có mặt ở 122 thị trường nhưng chưa mở được hồ sơ kỹ thuật để thâm nhập sâu hơn, đặc biệt là thị trường EU - nơi có thể tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
“Chi phí đầu tư cho mỗi ha dứa ban đầu không nhỏ, dao động từ 120–130 triệu đồng, trong khi thời gian thu hoạch kéo dài 15 tháng. Vì vậy, cần có chính sách tín dụng hiệu quả, nhất là ở các vùng trồng có năng suất cao. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu cơ chế sử dụng hiệu quả đất công như cổ phần hóa, cho thuê hoặc đấu giá công khai để tạo điều kiện thuận lợi phát triển bền vững ngành hàng”, ông Nguyên đề xuất.
Thương lái thu mua dứa quả tươi của người dân Bản Lầu để bán nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình. (Ảnh: nhandan.vn)
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods, cho rằng, ngành dứa cần có quy hoạch phát triển vùng trồng hợp lý, tránh trồng ồ ạt theo giá cả thị trường, dẫn đến cung vượt cầu. Bên cạnh đó, cần có giải pháp kiểm soát hoạt động của thương lái nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, tránh tình trạng mua gom với giá thấp, gây thiệt hại cho nông dân.
Cùng với đó, việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cần được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cập nhật liên tục, theo yêu cầu từ các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tránh ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của nông sản Việt Nam.
PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nhấn mạnh vai trò của công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
“Dứa là loại quả dễ hư hỏng, cần bảo quản phù hợp. Việc đầu tư chế biến sâu như sản xuất nước ép, mứt dứa, dứa đóng hộp hoặc sản phẩm lên men là giải pháp hữu hiệu nâng cao giá trị gia tăng và kéo dài chuỗi tiêu thụ của ngành dứa Việt Nam”, ông Tuấn cho biết.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu - nơi đang có nhu cầu lớn và ưu đãi thuế quan, là một trong những hướng đi chiến lược của ngành dứa Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để giấc mơ tỷ USD thành hiện thực, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trong tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường.
PHÚC LÂM
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/dua-viet-nam-rong-duong-xuat-ngoai-can-chien-luoc-bai-ban-de-can-moc-ty-usd-post894816.html