Các cuộc biểu tình chống nhập cư do các nhóm liên kết với đảng chính trị cực hữu tổ chức đã diễn ra tại 80 địa điểm trên khắp Ba Lan bao gồm thủ đô Warsaw. Những người biểu tình lên tiếng chỉ trích chính phủ Ba Lan đang ngày càng trở nên bất lực trước làn sóng nhập cư ngày càng tăng.
Kể từ năm 2021, Ba Lan phải đối mặt với tình trạng nhập cư gia tăng ở biên giới phía Đông với Belarus, hàng chục nghìn người di cư - chủ yếu từ Trung Đông, Châu Á và Châu Phi – đã vượt biên vào EU. Tại biên giới phía Tây của Ba Lan, Đức đã áp dụng lại biện pháp kiểm soát biên giới từ năm 2023 và đã gửi trả một số lượng không nhỏ những người di cư trái phép trở lại Ba Lan.
Biểu tình chống nhập cư ở Ba Lan. (Ảnh: Aa)
Chính phủ Ba Lan đã cấm đơn xin tị nạn của những người di cư đến từ Belarus và thắt chặt hệ thống thị thực, bao gồm cả việc xây dựng hàng rào quân sự dọc biên giới với Belarus. Một số nhà chính trị đối lập chỉ trích các cách thức ứng phó thụ động hiện nay đối với vấn đề di cư, cho rằng không có giải pháp quyết liệt đối phó với đối tượng buôn người và các dòng người di cư trái phép vào nước này.
Trước đó, Ba Lan đã triển khai hàng chục trạm kiểm tra tại khu vực biên giới với Đức và Litva nhằm thực hiện các biện pháp kiểm soát tạm thời, ngăn chặn dòng người di cư trái phép và nạn buôn người. Những biện pháp này sẽ kéo dài đến ngày 5/8.
Thủ tướng Donald Tusk cho biết Ba Lan buộc phải thực hiện bước đi này do dòng người di cư bất hợp pháp tràn vào nước này kéo theo nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế, xã hội. Vấn đề này cũng là lý do khiến nhiều quốc gia châu Âu siết chặt kiểm soát biên giới trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia, sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu cũng gây áp lực, buộc các nhà lãnh đạo các nước thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề nhập cư.
Hải Đăng/VOV-Praha