Hành trình bền bỉ vượt nắng, thắng mưa
Vào những ngày đầu tháng 7, khi nắng rát cháy da hòa lẫn những trận mưa rừng bất chợt, chúng tôi có mặt trên công trường đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên cùng đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hành trình thực địa không chỉ là chuyến kiểm tra tiến độ dự án, mà còn là cuộc kiểm chứng sức người, tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão” của hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân đang ngày đêm bám trụ nơi tuyến đường dây trọng điểm này.
Toàn cảnh vị trí cột VT140 nằm trên đỉnh một ngọn đồi tại xã Lâm Thượng (Lào Cai). Ảnh: Ngọc Linh
Chặng đường từ Lào Cai qua Yên Bái, Phú Thọ rồi về Vĩnh Phúc (thời điểm trước sáp nhập tỉnh 1/7/2025) chưa bao giờ là dễ dàng với những công trình điện cao thế. Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên được EVN xác định là mạch máu truyền tải không chỉ giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện Tây Bắc mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đón chúng tôi đến thực địa tại vị trí cột VT140 ở xã Lâm Thượng (Lào Cai), anh Lê Văn Du, kỹ sư điều hành dự án, Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVN) nói: “Vị trí cột nằm trên đỉnh ngọn đồi, từ chân đồi lên tới vị trí đặt cột dài gần 2km. Chúng tôi chia ca, bám trụ từ sáng sớm đến tối muộn, bất kể mưa nắng để đảm bảo tiến độ. Chỉ cần chậm trễ vài ngày là ảnh hưởng cả dự án”.
Chiếc xe công nông đưa chúng tôi lên vị trí cột được kéo bằng một chiếc xe ủi bánh xích khác. Ảnh: Thanh Tuấn
Anh Du chỉ tay lên đỉnh đồi, nơi cách vị trí đứng gần 2km đường đồi và nói: “Đây là một trong những vị trí gian nan nhất của dự án”. Quãng đường gần 2km từ chân đồi lên tới đỉnh tưởng chừng không xa, nhưng sự khắc nghiệt của địa hình ngay lập tức phô bày bản chất. Trận mưa lớn đêm qua khiến đường lầy lội, trơn trượt, những khúc cua gấp gáp như thử thách giới hạn của mọi phương tiện cơ giới.
Đưa chúng tôi lên vị trị cột là chiếc xe công nông và được kéo bởi chiếc xe ủi bánh xích. Tiếng máy gầm rú, bánh xích nghiến đất, thân xe rung lắc như sắp văng ra khỏi lề đường, nhưng nhờ kinh nghiệm lái xe địa hình dày dạn của các kỹ sư công trường, chiếc xe công nông vẫn gồng mình bám trụ, nhích từng mét lên cao.
Địa hình đồi núi dốc đứng thực sự là thách thức lớn, gây không ít khó khăn cho hành trình tiếp cận vị trí cột của chúng tôi. Ảnh: Thanh Tuấn
“Xe công nông chỉ bò được chừng 1/3 quãng đường, từ đó trở lên là đi bộ”, anh Du vừa cười vừa chỉ vết bùn đất bám trên ống quần. Nhìn những dấu vết in hằn trên con đường đồi, anh Du chia sẻ: “Công nhân, kỹ sư chúng tôi quen rồi, đi bộ, mang vác từng mét dây cáp, từng thanh sắt cũng phải lên được đỉnh đồi. Không ai cho phép mình bỏ cuộc khi cả dự án đang trông chờ”.
Đi bộ vượt qua một con dốc khoảng 60 độ, mồ hôi đổ ướt áo khi đó sức người tưởng như cạn kiệt thì chúng tôi được chiếc xe bán tải chuyên dụng ở công trường kịp thời đón chúng tôi tiếp tục hành trình lên vị trí cột.
Địa hình phức tạp với dốc cao, đường trơn trượt khiến việc tiếp cận vị trí cột trở nên gian nan. Chiếc xe công nông chở chúng tôi buộc phải dừng lại khi mới đi được 1/3 chặng đường. Ảnh: Thanh Tuấn
Trước mắt chúng tôi là con đường đồi dốc cao, đất đá lởm chởm, tài xế phải liên tục trả số thấp, giữ tốc độ chậm, bám chắc từng cung đường nhỏ hẹp giữa lưng chừng đồi. “Không thể vội vã với địa hình kiểu này, càng ép xe càng dễ tụt dốc nguy hiểm”, lái xe của nhà thầu giải thích.
Cuối cùng, sau hơn 1 giờ vật lộn với dốc cao, đoạn cua hiểm, xe cũng đưa chúng tôi lên tới đỉnh, nơi vị trí cột VT140 đang được thi công. Lên tới nơi, anh Du thở pháo nói: “Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên đi qua nhiều địa hình phức tạp, từ vùng núi đá, đồi dốc đến đồng bằng trung du. Đặc biệt, mùa mưa kéo dài những tháng qua khiến việc vận chuyển vật tư, thiết bị, thi công móng cột nhiều lần bị gián đoạn”.
Từ điểm dừng cuối cùng của chiếc xe công nông, hành trình tiếp cận vị trí cột thực sự mới bắt đầu. Ảnh: Thanh Tuấn
Lên tới vị trí cột VT140, chia sẻ với chúng tôi, ông Văn Minh Tâm, quản lý gói thầu 3HH do Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Hùng An và Công ty Cổ phần Việt Vương đảm trách cho biết: “Công việc tại đây vô cùng vất vả bởi địa hình phức tạp, đồi núi chằng chịt, độ dốc lớn. Việc mở đường tiếp cận công trường cũng tiêu tốn không ít thời gian và công sức. Những ống thép dài, nặng không thể vận chuyển nguyên khối, buộc phải chia nhỏ thành nhiều đoạn để dễ vận chuyển. Tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường đều đang căng mình nỗ lực, dồn toàn bộ quyết tâm để đưa từng hạng mục của công trình cán đích đúng tiến độ”.
Ông Văn Minh Tâm, quản lý gói thầu 3HH do Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Hùng An và Công ty Cổ phần Việt Vương đảm trách chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn khi thi công. Ảnh: Thanh Tuấn
Nói thêm với chúng tôi, ông Tâm cho hay, thực tế, vị trí cột VT140 chưa phải là điểm khó nhất trên toàn tuyến, bởi vẫn còn nhiều vị trí khác cao hơn, hiểm trở hơn. Địa hình tại khu vực này không chỉ đơn thuần là dốc mà còn đặc biệt phức tạp. Khác với những vùng nền đất cát, trời nắng có thể khô nhanh, ở đây chủ yếu là đất bùn, đất sét, chỉ cần mưa xuống là đường lập tức hóa lầy, trơn trượt, khiến việc vận chuyển vật liệu đến công trường gặp vô vàn khó khăn.
Nhiều xe tải không lên được dốc cao phải nhờ xe ủi bánh xích hỗ trợ. Ảnh: Thanh Tuấn
Theo ông Tâm, để hoàn thành thi công vị trí cột VT140, khối lượng cát đá, xi măng, sắt thép cần thiết ước tính lên tới khoảng 1.500 tấn, đồng nghĩa với khoảng 1.000 lượt xe vận chuyển mới có thể đưa đủ vật tư lên đến nơi.
Ông Tâm bộc bạch, mỗi lần nghe tin dự báo mưa là mọi người đều thấp thỏm, đứng ngồi không yên. “Chỉ cần mưa một ngày thôi là sau đó phải dừng thi công tới 2-3 ngày, vì đường lầy lội, trơn trượt, không đảm bảo an toàn cho người và xe. Hoàn thành công trình đúng tiến độ không chỉ là cuộc đua với thời gian, mà còn là cuộc chiến cam go với thời tiết khắc nghiệt”, ông Tâm nói.
Ở đâu khó, ở đó có bộ đội
Tiến độ dự án được đẩy nhanh từng ngày nhờ sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ không chỉ của đội ngũ công nhân trên công trường, mà còn từ sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị quản lý, cơ quan chức năng địa phương và cả lực lượng bộ đội. Chính sự chung tay này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp công trình tiến gần hơn tới mục tiêu cán đích đúng hẹn.
Tại vị trí cột VT140, gần 30 chiến sĩ Quân khu 2 đang hỗ trợ đơn vị thi công mở đường, trực tiếp tham gia vận chuyển vật tư, thiết bị và phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: Thanh Tuấn
Tại vị trí cột VT140, chúng tôi gặp Thượng úy Đỗ Đức Anh, Phó đại đội trưởng, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2, đang hỗ trợ vận chuyển vật tư, xây dựng phần móng cột.
“Những ngày gần đây, mưa lớn kéo dài khiến bùn đất vùi lấp đường đi, máy móc không thể tiếp cận công trường. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải tự tay dùng cuốc, xẻng nạo vét từng đoạn đường, mở lối thủ công, tạo mặt bằng tạm để đơn vị thi công có thể vận chuyển vật liệu và tiếp tục công việc thuận lợi hơn”, Thượng úy Đỗ Đức Anh chia sẻ.
Thượng úy Đỗ Đức Anh, Phó đại đội trưởng, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2. Ảnh: Thanh Tuấn
Theo Thượng úy Đỗ Đức Anh, từ đầu tháng 6, Quân khu 2 đã phối hợp với EVN để đưa bộ đội đến hỗ trợ tại các hạng mục khó khăn nhất. 121 chiến sĩ của Trung đoàn 174, Sư đoàn 326 đang đồng thời phối hợp cùng đơn vị thi công tại 3 điểm cột khác nhau.
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi sẽ duy trì phối hợp chặt chẽ với EVN và Ban Quản lý dự án Điện 1, thường xuyên cập nhật tình hình thực địa và tiến độ thi công. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ chủ động trao đổi, thống nhất phương án bố trí lực lượng hỗ trợ theo hướng khoa học, linh hoạt và hiệu quả”, Thượng úy Đỗ Đức Anh cho biết.
Nói về sự hỗ trợ của người dân khi bộ đội “chia lửa” cùng đơn vị thi công, Thượng úy Đỗ Đức Anh nói: “Ở đây, bà con địa phương coi chúng tôi như người nhà. Không chỉ hỗ trợ từng bữa cơm, nắm xôi, mà còn giúp kéo từng đoạn ống dẫn nước từ suối xa về phục vụ sinh hoạt”.
Các chiến sĩ thao tác buộc cốt thép. Ảnh: Thanh Tuấn
Đặc biệt, Thượng úy Đỗ Đức Anh nhắc đến tình cảm của gia đình nhà bác Nguyễn Quang Ngồi (xã Lâm Thượng, Lào Cai), người đã sẵn sàng nhường một phần nhà ở để bộ đội có chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường dây.
“Sự giúp đỡ mộc mạc, chân thành của bà con chính là động lực tinh thần rất lớn để chúng tôi yên tâm bám trụ, hoàn thành nhiệm vụ”, Thượng úy Đỗ Đức Anh xúc động nói.
Trong quá trình thi công, lực lượng bộ đội thuộc Quân khu 2 cũng được tăng cường, trực tiếp tham gia hỗ trợ vận chuyển vật tư nặng như sắt thép, xi măng cùng với đội ngũ công nhân trên công trường.
“Các chiến sĩ luôn làm việc hết sức nhiệt tình, đồng hành cùng đơn vị thi công trên từng tuyến đường, từng hố móng cheo leo nơi sườn đồi. Sự phối hợp này thực sự rất đáng trân trọng, góp phần tạo thêm sức mạnh tập thể để dự án cán đích sớm nhất có thể”, ông Tâm khẳng định với chúng tôi.
Để tiếp cận được vị trí cột, chúng tôi phải vượt qua những cung đường hiểm trở, đầy rẫy khó khăn và thử thách. Ảnh: Thanh Tuấn
Giữa những dãy núi trập trùng và con dốc thăm thẳm, hành trình dựng cột, kéo dây không chỉ là nỗ lực của những người thợ điện, mà còn là sự sẻ chia, đồng hành của người lính và tình cảm chân thành của bà con. Mỗi bàn tay góp sức, mỗi tấm lòng đồng hành đã làm nên sức mạnh tập thể bền bỉ, đưa công trình tiến gần hơn tới ngày cán đích.
Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công toàn tuyến vào ngày 16/3/2025, dự kiến ban đầu hoàn thành vào cuối tháng 8/2025. Song, trước yêu cầu cấp bách về truyền tải điện, theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 81/CĐ-TTg ngày 3/6/2025 về tình hình, giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong các tháng cao điểm năm 2025 và thời gian tới, công trình này phải khánh thành vào ngày 19/8/2025.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng thi công dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên đồng loạt nỗ lực vượt mọi khó khăn, tập trung nguồn lực, tăng tốc, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão” để đưa dự án về đích đúng hạn, bảo đảm chất lượng công trình.
Rời vị trí cột VT140 để tiếp tục hành trình, chúng tôi nhận thấy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão” ở dự án này không chỉ là một khẩu hiệu thi đua, mà đã trở thành lẽ sống, là ý chí bền bỉ đưa công trình trọng điểm quốc gia về đích đúng thời hạn. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh tổng hòa giữa chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm của ngành điện và sự đồng hành của các lực lượng thi công, vì một mục tiêu chung là giữ mạch máu năng lượng luôn thông suốt, tiếp thêm sinh khí phát triển cho đất nước.
Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia nhằm giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội các tỉnh khu vực phía bắc nói chung.
Thanh Bình