Sự việc xảy ra ngày 12/7 tại thành phố Hành Dương (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Một phụ nữ bất ngờ ngã gục trên vỉa hè. Một nữ bác sĩ từ bệnh viện địa phương lập tức có mặt và tiến hành cấp cứu.
Tuy nhiên, sau một thời gian ép tim liên tục, nữ bác sĩ bắt đầu kiệt sức và lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ, theo SCMP.
Đúng lúc đó, người đàn ông họ Pan (42 tuổi), giảng viên trường Y thuộc một đại học trong thành phố, đi xe đạp ngang qua. Nghe tiếng gọi, ông lập tức dừng lại hỗ trợ.
Theo lời Pan, ông từng học ngành y lâm sàng và được đào tạo bài bản về kỹ thuật CPR. Ông và nữ bác sĩ thay phiên ép tim, theo dõi dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân và hướng dẫn người nhà gọi xe cấp cứu.
Khoảng 10 phút sau, người phụ nữ bắt đầu thở yếu, tim đập trở lại và hé mắt tỉnh dậy. Nạn nhân được chuyển lên xe cứu thương trong tình trạng còn nhận thức được.
Ông Pan, đội chiếc mũ bóng chày trắng, trợ giúp bác sĩ cứu người phụ nữ bất tỉnh trên đường. Ảnh: Weibo.
Tuy nhiên, clip ghi lại quá trình cấp cứu lan truyền trên mạng xã hội khiến ông Pan đối mặt với làn sóng chỉ trích. Một số người cho rằng nam giảng viên “đặt tay sai vị trí” và “có hành vi không phù hợp” khi ép tim.
“Một người đàn ông thì làm sao ép tim cho phụ nữ được?”, một cư dân mạng bình luận. Người khác viết: “Sao không massage bụng mà lại ấn vào ngực? Biến thái”.
Trước những cáo buộc này, ông Pan bày tỏ sự thất vọng: “Tôi cảm thấy sợ hãi. Nếu biết trước bị chỉ trích như vậy, tôi đã không dám đứng ra giúp. Thật cay đắng”.
Ông khẳng định đã đặt tay đúng vào vị trí xương ức theo đúng kỹ thuật CPR: “Nếu tôi làm sai, chắc chắn nhân viên y tế đã lên tiếng. Nhưng đến giờ chưa ai nói gì cả”.
Trái với những lời buộc tội, nhiều người lên tiếng bênh vực. Một nhân chứng họ Deng kể lại: “Lúc đó nguy cấp lắm, không ai để ý ông ấy có chạm vào đâu hay không. Nhờ họ mà người phụ nữ mới được cứu sống”.
Một người dùng mạng xã hội cũng bình luận: “Trong tình huống khẩn cấp, cứu người là điều quan trọng nhất. Không thể phân biệt đàn ông hay phụ nữ khi làm CPR”.
Hoàng Hoàng