Gặp áp lực vùng 1.300 điểm, VN-Index giảm nhẹ phiên cuối tuần

Gặp áp lực vùng 1.300 điểm, VN-Index giảm nhẹ phiên cuối tuần
5 giờ trướcBài gốc
VN-Index giảm nhẹ trong phiên giao dịch
Tuy nhiên, áp lực bán từ vùng 1.300 điểm khiến hầu hết các cổ phiếu đều mất đà tăng điểm, kéo theo chỉ số chung hạ dần về sát tham chiếu. Vào phiên chiều, tuy dòng tiền vẫn mua chủ động các cổ phiếu Ngân hàng giúp nhóm này hầu hết giữ được sắc xanh; nhưng các nhóm khác không thu hút được sức mua và giảm điểm đồng loạt, khiến VN-Index giảm xuống dưới tham chiếu và đóng cửa giảm 0,57 điểm. Trên HoSE, thanh khoản đạt mức 21.562,53 tỷ đồng; khối ngoại mua ròng 248,46 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia cho biết, các thị trường châu Á-Thái Bình Dương ngoài Hàn Quốc tiếp tục đồng loạt tăng rất mạnh, đặc biệt Trung Quốc khi các thành phố hàng đầu là Thượng Hải và Thâm Quyến đang có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế quan trọng còn lại đối với việc mua nhà để thu hút người mua tiềm năng và củng cố thị trường bất động sản đang suy thoái. Trong nước, VN-Index giảm nhẹ khi lực bán tăng mạnh nhưng dòng tiền chủ động chỉ duy trì trong nhóm Ngân hàng.
Về kỹ thuật, VN-Index tiếp tục không vượt qua vùng 1.300 điểm và đóng cửa với cây nến đỏ thể hiện áp lực bán lớn tại vùng điểm số này. Tuy nhiên, chỉ số vẫn đóng cửa cao hơn MA5 và trendline ngắn hạn để xu hướng tăng tiếp tục được duy trì, với sự dẫn dắt của nhóm Ngân hàng. Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index ghi nhận tuần giao dịch với những phiên tăng điểm ấn tượng sau phiên rung lắc đầu tuần.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà tâm điểm là ngân hàng đã ghi nhận nhịp bứt phá tốt tạo động lực giúp thị trường hướng lên mốc 1300 điểm. Bên cạnh đó, dòng tiền khối ngoại mua ròng mạnh và giá trị tăng dần qua các phiên góp phần củng cố cho điểm số chung. Thanh khoản tuần này cũng cải thiện đáng kể so với tuần trước cho thấy dòng tiền đã có sự vận động tích cực hơn và diễn biến phân hóa cũng được thể hiện rõ nét hơn.
Tuy nhiên ở phiên cuối tuần, VN-Index có diễn biến rung lắc ở ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Cụ thể trong phiên cuối tuần (27/9), sắc xanh vẫn được duy trì ở đầu phiên cùng lực cầu gia tăng tốt. Tuy nhiên động lực nhanh chóng suy yếu với nguyên nhân chính là sự thiếu đồng thuận của các cổ phiếu vốn hóa lớn khiến thị trường rung lắc giằng co. Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vẫn là những gương mặt đóng góp chính cho điểm số chung. Vào phiên chiều, áp lực chốt lời chiếm ưu thế khiến VN-Index tiếp tục ghi nhận diễn biến giằng co trồi sụt quanh tham chiếu đến hết phiên. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.290,92 điểm, giảm 0,57 điểm, tương đương 0,04%. Kết tuần, VN-Index tăng 18,88 điểm (+1,48%) so với tuần trước
Phân tích kĩ thuật, VCBS cho rằng, VN-Index kết phiên với nến Spinning top thể hiện sự lưỡng lự và tâm lý thận trọng gia tăng của nhà đầu tư khi chỉ số chung tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.290-1.300 điểm. Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung ghi nhận rung lắc ở đường biên trên dải Bollinger band, đồng thời cũng là khu vực kháng cự 1.290-1.300 điểm, nên hiện tượng giằng co rung lắc với áp lực chốt lời xuất hiện là điều dễ hiểu. Đường +DI neo ở vùng cao nhưng đường ADX vận động dưới mốc 25 nên đà tăng của thị trường đang có tín hiệu chững lại. Tuy nhiên điểm tích cực là nhóm ngân hàng vẫn đồng thuận xanh giúp nâng đỡ VN-Index, và thị trường đã ghi nhận diễn biến tăng điểm gần như là liên tục từ phiên ngày 17/9 bắt đầu từ mốc 1.258 lên 1.300 điểm nên nhịp điều chỉnh tích lũy là cần thiết để ổn định mặt bằng giá mới.
Ở khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo RSI và MACD đang cho tín hiệu hình thành đỉnh đầu tiên nên biến động rung lắc với biên độ 5- 10 điểm là điều bình thường. Chỉ báo dòng tiền CMF vẫn hướng lên và VN-Index tiếp tục vận động trên đường MA20 củng cố cho động lực chung.
Về chiến lược giao dịch, VCBS cho biết, thị trường vẫn đang trong diễn biến ổn định và chưa có tín hiệu xấu nên nhà đầu tư chưa cần quá lo lắng. Nhà đầu tư được khuyến nghị giữ tỉ trọng danh mục đối với cổ phiếu chưa có tín hiệu suy yếu và đang bước vào xu hướng tăng điểm thuộc các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Đối với các mã đã đạt mục tiêu và có tín hiệu điều chỉnh xuống đường MA20 thì nhà đầu tư cân nhắc hạ dần tỉ trọng và chốt lời. Ngoài ra, những nhịp rung lắc trong tuần tới là cơ hội để nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn hoặc giải ngân mới cổ phiếu ở các vùng giá chiết khấu tốt đã có thời gian tích lũy từ khoảng một tháng trở lên và thu hút được dòng tiền như dầu khí, đầu tư công.
Trần Hương
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/gap-ap-luc-vung-1300-diem-vn-index-giam-nhe-phien-cuoi-tuan-156095.html