Theo ước tính của Gennadiy Goldberg, chuyên gia về chiến lược lãi suất tại công ty TD Securities, việc sa thải Chủ tịch Powell có thể khiến lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 20 và 30 năm mà Mỹ phát hành mỗi năm tăng từ 20 đến 50 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất lên khoảng 5,5%. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Washington sẽ phải chi thêm 58 tỷ USD tiền lãi hàng năm cho khoản nợ từ các trái phiếu này.
Ước tính trên chưa bao gồm các trái phiếu kỳ hạn khác như kỳ hạn 10 năm, vốn cũng có thể chịu tác động tương tự. Ông Goldberg nhấn mạnh nếu lãi suất tăng đột biến, gánh nặng nợ công của Mỹ có thể nhanh chóng trở nên không bền vững.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: EPA
Alex Everett, một quản lý quỹ tại công ty quản lý đầu tư Aberdeen, dự đoán cú sốc từ việc thay đổi lãnh đạo Fed có thể đẩy lãi suất trái phiếu 30 năm lên 6% chỉ trong vòng 2 đến 3 tháng. Đây sẽ là mức tăng mạnh nhất kể từ giai đoạn đầu những năm 1980, thời kỳ Chủ tịch Fed Paul Volcker áp dụng chính sách tăng lãi suất quyết liệt để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, ông Everett lưu ý nếu lợi suất tăng lần này, nguyên nhân không phải do Fed thành công trong việc chống lạm phát, mà do thị trường lo ngại cơ quan này không còn khả năng kiểm soát tình hình kinh tế.
Tổng thống Donald Trump được cho là có khả năng sa thải Chủ tịch Jerome Powell trước cả khi nhiệm kỳ lãnh đạo Fed của ông Powell khép lại vào năm sau, với nguyên nhân bắt nguồn từ những bất đồng về chính sách tiền tệ. Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Chủ tịch Powell trong thời gian gần đây, thậm chí gọi ông là "kẻ ngốc" vì không cắt giảm lãi suất như mong muốn của mình.
Xung đột càng thêm căng thẳng khi chi phí cho dự án cải tạo trụ sở Fed đã vượt số tiền ngân sách của chính phủ Mỹ tới 2,5 tỷ USD, trở thành một trong những lý do khiến Tổng thống Trump đe dọa sa thải Chủ tịch Powell. Dù sau đó ông Trump khẳng định khả năng này "rất thấp" trừ khi có bằng chứng về gian lận, thị trường vẫn không hoàn toàn yên tâm.
Nhiều chuyên gia cảnh báo hậu quả của việc thay đổi lãnh đạo Fed không chỉ dừng lại ở chi phí vay nợ, mà còn mở đường cho các chính sách tài khóa lỏng lẻo hơn, làm gia tăng bất ổn chính trị. Lợi suất trái phiếu tăng cao có thể kéo theo sự sụt giảm của đồng USD, gây thiệt hại đối với nhà đầu tư.
Đồng thời, chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ, hiện chiếm khoảng 3,2% tổng chi tiêu liên bang, được dự báo sẽ tăng lên 6,1% vào năm 2054 nếu các đề xuất ngân sách của Tổng thống Trump được thông qua, theo phân tích từ tổ chức Ủy ban Ngân sách Liên bang Có Trách nhiệm. Lãi suất trái phiếu tăng sẽ kéo theo lãi suất thế chấp nhà ở, hiện ở mức 7%, tiếp tục leo cao, đẩy thị trường bất động sản vốn đã suy yếu trong 30 năm qua càng thêm ảm đạm.
Sự kết hợp giữa chi phí vay nợ tăng, lạm phát tiềm tàng và bất ổn chính trị có thể tạo ra một cơn bão hoàn hảo, đe dọa sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh con số 60 tỷ USD không chỉ là bài toán tài chính, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về hậu quả khi ranh giới giữa chính sách tiền tệ và chính trị bị xóa nhòa.
Việt Anh